981 người đang online

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016

Đăng ngày 29 - 06 - 2016
100%

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016

Phần I. Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016

I. Những kết quả đạt được

Sáu tháng đầu năm 2016, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do giá dầu liên tục ở mức thấp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm, tác động bất lợi đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ; cùng với những khó khăn chung của cả nước, tỉnh ta còn gặp phải khó khăn riêng do rét đậm, rét hại, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm xảy ra ở một số địa phương, tác động bất lợi đến sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm; tranh thủ tác động tích cực của các dự án quy mô lớn đang triển khai trên địa bàn và sự cải thiện đáng kể của các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả cụ thể như sau:

1. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nhiều lĩnh vực đạt kết quả khá so với cùng kỳ và kế hoạch

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng ước đạt 8,03%, trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 2,47%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,07%, dịch vụ tăng 7,61%, thuế sản phẩm giảm 3,06%; nếu loại trừ yếu tố thuế sản phẩm, tăng trưởng đạt 8,53%; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 19,81%, giảm 1,33%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,3% tăng 1,9%; dịch vụ chiếm 33,34%, xấp xỉ cùng kỳ.

1.1. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả tích cực; giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 12.877 tỷ đồng, bằng 49,7% kế hoạch, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Sản lượng lương thực vụ đông xuân ước đạt 951,4 nghìn tấn, vượt 1,8% so với kế hoạch; năng suất một số cây trồng chính tăng so với cùng kỳ như: lúa ước đạt 63,5 tạ/ha (tăng 0,5 tạ/ha), ngô 45,1 tạ/ha (tăng 0,3 tạ/ha); khoai 71,8 tạ/ha (tăng 0,9 tạ/ha); lạc 19,6 tạ/ha (tăng 0,8 tạ/ha). Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 3.349 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; đồng thời, tiếp tục phát triển các sản phẩm lợi thế như: lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 62.132 ha; ngô thâm canh 6.668 ha; mía thâm canh 6.669 ha; rau an toàn 225,7 ha.

Chăn nuôi phát triển ổn định; kết quả điều tra 01/4/2016, đàn bò tăng 6,2%, đàn lợn tăng 0,2%, đàn trâu tương đương cùng kỳ, đàn gia cầm giảm 0,3%; sản lượng các sản phẩm thịt hơi, trứng, sữa đều tăng so với cùng kỳ. Công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường; tiêm phòng đợt 1 cho gia súc, gia cầm đạt 100% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp đạt kết quả tích cực; giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 818,9 tỷ đồng, bằng 61,5% kế hoạch, tăng 17,2% so cùng kỳ. Trồng rừng tập trung ước đạt 3.517 ha, bằng 35,2% kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng được tăng cường, không để xảy ra cháy rừng; đã phát hiện, xử lý 349 vụ vi phạm về khai thác và vận chuyển lâm sản.

Sản xuất thủy sản tăng khá, giá trị sản xuất ước đạt 2.235 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch, tăng 7,7% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 74,3 nghìn tấn, bằng 49,4% kế hoạch, tăng 6,5%. Khai thác thủy sản xa bờ được đẩy mạnh, sản lượng khai thác xa bờ đạt 20,2 nghìn tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ; theo kết quả điều tra thủy sản thời điểm 01/5/2016, toàn tỉnh có 1.338 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất là 269 nghìn CV; tăng 8,4% về số tàu và 4,5% về công suất.

Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; toàn tỉnh hiện có 01 huyện, 114 xã, 183 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 01 huyện, 01 xã, 131 thôn, bản so với cuối năm 2015); bình quân toàn tỉnh đạt 13,3 tiêu chí.

1.2. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất ước đạt 30.510 tỷ đồng, bằng 48,8% kế hoạch, tăng 9,9% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 19,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,5%, khu vực ngoài nhà nước tăng 6,4%. Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng khá như: clinker (gấp 2,3 lần), ô tô tải (tăng 66,9%), thuốc lá bao (44,1%), quần áo may sẵn (31,8%), tinh bột sắn (26,5%), điện sản xuất (26,6%), đường kết tinh (15,3%). Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9% so với cùng kỳ, một số sản phẩm tiêu thụ tốt như: xe ô tô, trang phục may sẵn, thuốc lá, bao bì, đường,... Trong sáu tháng đầu năm, đã thành lập NM sản xuất phân bón Đức - Việt theo Chương trình hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Mittelsachsen (CHLB Đức); dây chuyền 2 NM Xi măng Công Thanh bắt đầu sản xuất và đang trong quá trình giới thiệu sản phẩm clinker, xi măng ra thị trường.

Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được quan tâm phát triển; giá trị sản xuất ước đạt 6.925 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ, đóng góp 22,7% trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp.

1.3. Các ngành dịch vụ tiếp tục có bước phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 34.720 tỷ đồng, bằng 50,3% kế hoạch, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,64% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được tăng cường, tập trung vào kiểm soát ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP; 6 tháng đầu năm, đã kiểm tra 2.770 vụ, phát hiện và xử lý 2.571 vụ vi phạm, thu phạt hành chính 8,6 tỷ đồng.

Xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 780,7 triệu USD, bằng 48,2% kế hoạch, tăng 15,8% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu chính ngạch đạt 699 triệu USD, tăng 17,2%; một số mặt hàng xuất khẩu chính ngạch tăng khá gồm: bột cá (gấp 2,5 lần), hải sản đông lạnh (tăng 67,8%), hàng may mặc (45,7%), giày thể thao (15,3%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 564,6 triệu USD, bằng 49,1% kế hoạch, tăng 33% so với cùng kỳ.

Hoạt động du lịch diễn ra sôi động gắn với các chương trình lễ hội đầu năm và các sự kiện mùa du lịch biển. Bên cạnh việc ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch tại các khu du lịch biển nhằm tạo diện mạo mới, hiện đại, hấp dẫn du khách, nhất là tại TX. Sầm Sơn, các cấp, các ngành cũng đã tăng cường quản lý về giá cả hàng hóa, dịch vụ, vệ sinh ATTP, nâng cao chất lượng phục vụ, nên đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến Thanh Hóa. Ngành du lịch ước đón 3,8 triệu lượt khách, bằng 67,9% kế hoạch, tăng 13,6% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 4.092 tỷ đồng, bằng 77,4% kế hoạch, tăng 21,7%.

Vận tải ước đạt 23,2 triệu tấn hàng hóa và 18,6 triệu lượt khách, so với cùng kỳ tăng 7,3% về hàng hóa và 19,6% về lượt khách; xếp dỡ hàng hóa qua cảng ước đạt 3,16 triệu tấn, tăng 12%, trong đó qua cảng Nghi Sơn chiếm 93%. Trong 6 tháng đầu năm, đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhà ga mới Cảng hàng không Thọ Xuân, mở thêm đường bay mới Thanh Hóa - Nha Trang với tần suất 4 chuyến/tuần, đáp ứng tốt hơn như cầu đi lại, du lịch của nhân dân.       

Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục có bước phát triển; 6 tháng đầu năm, phát triển mới 263,4 nghìn thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao lên 2,79 triệu thuê bao, đạt mật độ 78,69 thuê bao/100 dân; thuê bao internet đạt 764 nghìn, mật độ 21,55 thuê bao/100 dân. Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 1.680 tỷ đồng, bằng 54,1% kế hoạch, tương đương với cùng kỳ.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng phát triển) đến 30/6 ước đạt 54.388 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt 67.895 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ; sản xuất kinh doanh công nghệ cao) ước đạt 27.886 tỷ đồng, chiếm 51,01% tổng dư nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, có 3.501 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, tăng 193 doanh nghiệp so với cuối năm 2015, dư nợ đạt 26.918 tỷ đồng, tăng 8,08%.

1.4. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.067 tỷ đồng, bằng 46% dự toán năm và 94% cùng kỳ, trong đó thu nội địa và thu từ sử dụng đất đạt kết quả tích cực; thu nội địa đã trừ tiền sử dụng đất đạt 3.845 tỷ đồng, bằng 52% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ; thu sử dụng đất đạt 889,7 tỷ đồng, bằng 59% dự toán cả năm. Chi ngân sách ước đạt 11.117 tỷ đồng, bằng 51% dự toán năm, đáp ứng nhu cầu kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

1.5. Công tác phát triển doanh nghiệp được quan tâm; 6 tháng đầu năm, thành lập mới 712 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 3.536 tỷ đồng; so với cùng kỳ, tăng 21% về số doanh nghiệp và 3% về vốn đăng ký. Trong 6 tháng, có 215 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động, tăng 168 doanh nghiệp so với cùng kỳ; tổng thu nộp ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp ước đạt 2.439,5 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ, chiếm 48,1% (cùng kỳ là 42,4%).

1.6. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường được tăng cường; đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của 27 huyện, thị xã, thành phố; hiện đang thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ cuối 2016 - 2020. Trong 6 tháng, đã cấp quyền khai thác 35 mỏ khoáng sản và 22 giấy phép thăm dò khoáng sản cho các đơn vị; đóng cửa 02 mỏ khoáng sản rắn. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm chỉ đạo; đã kịp thời khắc phục các sự cố môi trường dẫn đến cá chết trên sông Bưởi (huyện Thạch Thành) và sông Bạng (huyện Tĩnh Gia), đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân vùng bị thiệt hại; 6 tháng đầu năm, đã tiến hành kiểm tra 29 đơn vị, phát hiện và xử phạt 15 đơn vị vi phạm.

2. Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; nhiều dự án lớn, quan trọng đã được ký kết và triển khai thực hiện; công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng được tăng cường

2.1. Lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu các doanh nghiệp lớn và Chính trị gia Khu vực Bắc Mỹ và khối Asean, Đoàn công tác của Hoàng tử Brunei, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Đại sứ Hoa Kỳ, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), tỉnh Gunna (Nhật Bản); một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), Tập đoàn tư vấn Boston (BCG); đã tổ chức các đoàn công tác sang thăm và làm việc với tỉnh Hủa Phăn (Lào), xúc tiến đầu tư tại Singapore, Nhật Bản,… để tranh thủ vận động tài trợ, thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh. Sáu tháng đầu năm, đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 81 dự án đầu tư (3 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 9.119 tỷ đồng và 28 triệu USD; ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) về hợp tác đầu tư Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bến En với TMĐT 9.990 tỷ đồng.

Các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh năm 2015 được cải thiện rõ rệt; trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 10 cả nước, tăng 2 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 9, tăng 15 bậc so với năm trước. UBND tỉnh đã ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

2.2. Huy động vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm ước đạt 60.750 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch (cùng kỳ đạt 47%), tăng 19,1% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 44% KH, tăng 17%; vốn tín dụng đầu tư phát triển đạt 48% KH, tăng 18%; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đạt 50% KH, tăng 11%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 49% KH, tăng 20%; vốn đầu tư của dân cư và tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 50% KH, tăng 19% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án lớn, quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương; Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, Đường Trần Nhân Tông, TX. Sầm Sơn; Đại lộ Nam sông Mã - GĐ I; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 217 (GĐ I); Khu hàng không dân dụng - Cảng hàng không Thọ Xuân...; khởi công xây dựng một số dự án lớn như: Trung tâm thương mại Vincom và Trụ sở làm việc Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Thanh Hóa; Khu đô thị Sao Mai, Triệu Sơn; Dây chuyền số 2 - Nhà máy xi măng Long Sơn...

Nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 do tỉnh quản lý được giao kế hoạch chi tiết ngay từ đầu năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị và tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công nên nhìn chung khối lượng thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư từ NSNN, TPCP do địa phương quản lý có chuyển biến tích cực so với kế hoạch và so với cùng kỳ; giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 2.026 tỷ đồng, bằng 41% kế hoạch; giải ngân đến 15/6 đạt 2.301 tỷ đồng (không tính vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất), bằng 51% kế hoạch vốn đã giao chi tiết.

3. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện

3.1. Hoạt động khoa học công nghệ đã tổ chức nghiệm thu 18 nhiệm vụ khoa học; thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho 03 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh lên 14 (đứng thứ 3 toàn quốc, sau TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng được tăng cường; đã kiểm tra 87 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý 11 cơ sở vi phạm.

3.2. Hoạt động văn hóa, thông tin đã tập trung tuyên truyền thành công của Đại hội Đảng toàn quốc, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội đầu năm, lễ hội du lịch biển, phục vụ nhu cầu du lịch, thưởng thức nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử được chú trọng; di tích khảo cổ Hang Con Moong và di tích phụ cận được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì; đã tổ chức 07 giải cấp tỉnh, 124 giải cấp huyện, 378 giải thể thao quần chúng cấp xã, phường; tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 36%, tăng 1% so với cùng kỳ. Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng - Khu vực III, đoàn Thanh Hóa giành 100 huy chương (43 HCV) xếp thứ nhất toàn đoàn. Thể thao thành tích cao đạt 167 huy chương (38 HCV) tại 36 giải quốc gia và quốc tế; đội bóng đá FLC Thanh Hóa sau 11 vòng đấu đạt 19 điểm và tạm xếp thứ 3 tại Giải vô địch quốc gia V-League 2016.

3.3. Ngành giáo dục và đào tạo đã hoàn thành chương trình năm học 2015 - 2016; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016; phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh, đào tạo năm học 2016 cho Phân hiệu tại Thanh Hóa. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì thành tích trong tốp đầu cả nước; kỳ thi học sinh giỏi quốc gia khối THPT, học sinh tỉnh ta đạt 58 giải (6 giải nhất), xếp thứ 4 toàn quốc (tăng 2 bậc so với năm 2015), có 03 học sinh được chọn tham dự đội tuyển dự thi Olympic quốc tế; tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc, học sinh tỉnh ta có 9 dự án đạt giải, trong đó có 01 dự án được lựa chọn thi quốc tế. Trong 6 tháng, có thêm 24 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, bằng 52,17% kế hoạch, nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên 54,3%.

3.4. Ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; nhiều kỹ thuật cao đã được đưa vào chuẩn đoán, điều trị như: phẫu thuật van tim hở, thay van tim nhân tạo, thay khớp gối,...; các bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao 207 kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện. Các đơn vị y tế dự phòng đã chủ động giám sát tình hình dịch bệnh, không để xảy ra bệnh dịch lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh ATTP được tăng cường, đã tổ chức 17 đợt kiểm tra tại 288 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện và xử lý 35 cơ sở vi phạm.

3.5. Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; 6 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 30.650 lao động, bằng 47,9% kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 4.510 lao động; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 5.870 người. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hơn 149 nghìn đối tượng chính sách và gần 44 nghìn người cao tuổi; hỗ trợ 2.136,8 tấn gạo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

4. Tình hình chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được quan tâm thực hiện; tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp

Các lực lượng vũ trang thường xuyên tuần tra, bám sát địa bàn, nhất là tuyến biên giới, trên biển và các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự, chủ động xử lý các tình huống, nên không để xảy ra bị động, bất ngờ; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và các sự kiện quan trọng khác của tỉnh. Đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tuyển quân với 4.300 quân nhân nhập ngũ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quốc phòng, an ninh, chính trị chuyên ngành cho các đối tượng theo kế hoạch.

Lực lượng công an đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội nên tình hình tội phạm có chuyển biến tích cực; so với cùng kỳ, tội phạm về trật tự xã hội giảm 5,69%, tội phạm về kinh tế, chức vụ giảm 10,5% về số vụ. Trong 6 tháng đầu năm, đã đấu tranh triệt xóa 126 băng, ổ nhóm tội phạm, bắt 498 đối tượng; điều tra làm rõ 906 vụ với 1.852 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội; điều tra xác minh 144 vụ với 177 đối tượng có dấu hiệu vi phạm và phạm tội về kinh tế, tham nhũng. Công tác bảo đảm an toàn giao thông được tăng cường; theo báo cáo của ngành công an, 6 tháng đầu năm tai nạn giao thông giảm 6,7% về số vụ, giảm 12,2% số người chết và 19,4% số người bị thương.

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với rà roát, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; rà soát, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các sở, ban, ngành phù hợp với thông tư hướng dẫn của Trung ương. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm giải quyết từ cơ sở; phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra, thẩm định văn bản được đẩy mạnh. Công tác thanh tra được triển khai thực hiện theo kế hoạch; thanh tra phục vụ phòng chống tham nhũng được tăng cường.

Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra thành công với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,59% (là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay), đã bầu đủ 100% số lượng đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh với số phiếu tập trung, đúng định hướng, đảm bảo cơ cấu, thành phần theo phân bổ.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM         

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 còn những hạn chế, yếu kém trên một số lĩnh vực, cụ thể là:

1. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm làm nhiều diện tích lúa phải gieo cấy lại, diện tích vụ đông chỉ đạt 96,3% KH; thu mua mía nguyên liệu đạt thấp so kế hoạch đề ra do diện tích và năng suất giảm; chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp còn chậm. Công tác phòng chống dịch bệnh tuy được tăng cường song vẫn xuất hiện bệnh lở mồm long móng ở gia súc. Tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn diễn ra; tại nạn tàu cá trên biển còn phức tạp.    

- Một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với cùng kỳ, kế hoạch như: bia (đạt 37% kế hoạch, 94,4% cùng kỳ), xi măng (44,5% KH), men thực phẩm (47,9% KH, 63,7% cùng kỳ); tiến độ thực hiện một số dự án công nghiệp còn chậm, như:  Thép Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, dây chuyền 2 nhà máy xi măng Công Thanh đi vào hoạt động nhưng chưa ổn định, công suất đạt thấp so với kế hoạch,... ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

- Hoạt động của một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; 6 tháng đầu năm có 276 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 67 doanh nghiệp so với cùng kỳ; 30 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 1 doanh nghiệp.

2. Mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện song một số chỉ số thành phần trong PCI lại có xu hướng giảm và xếp hạng thấp như: chỉ số về cạnh tranh bình đẳng (thứ 62/63 tỉnh, TP); chi phí thời gian (53/63); tính năng động và tiên phong của lãnh đạo (44/63); tiếp cận đất đai (42/63); chi phí không chính thức (40/63).

3. Nhiều dự án đầu tư trực tiếp, dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư thực hiện chậm; nhiều dự án đã triển khai thực hiện nhưng chậm kéo dài so với cam kết. Tiến độ giải ngân vốn ODA của một số dự án đạt thấp so với cam kết với nhà tài trợ như: DA phát triển toàn diện KT - XH TP. Thanh Hóa; DA nước Lam Sơn - Sao Vàng. 

4. Tiến độ thực hiện của một số chương trình, dự án đầu tư công còn chậm so với kế hoạch và so với yêu cầu đề ra, nhất là các dự án khởi công mới, các dự án thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững, chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Số dư vốn tạm ứng tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn còn cao, tính đến 5/6 là 1.517 tỷ đồng (cùng kỳ là 1.251 tỷ đồng). Công tác quản lý chất lượng công trình; giám sát, đánh giá đầu tư còn nhiều hạn chế; công tác lập, nộp báo cáo quyết toán ở nhiều chủ đầu tư vẫn còn chậm so với quy định; đến 05/6, còn 69 công trình, gói thầu hoàn thành đã quá thời gian quy định nhưng các chủ đầu tư chưa lập hoặc nộp báo cáo quyết toán. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm, nhất là ở cấp huyện, xã.

5. Công tác quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế, thiếu biện pháp ngăn ngừa, cảnh báo, tham mưu đề xuất vị trí đặt cơ sở sản xuất không phù hợp để xảy ra các vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện còn chậm; một số chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo ngăn chặn triệt để hoạt động tập kết, khai thác cát trái phép.

6. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học chưa đảm bảo theo yêu cầu, nhất là phòng học khối mầm non; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên, không đồng bộ về cơ cấu chưa được giải quyết triệt để. Các bệnh viện công lập vẫn trong tình trạng quá tải; dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp; việc thực hiện giá dịch vụ y tế mới đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các cơ sở khám chữa bệnh trong việc thanh toán BHYT. Việc chấp hành các quy định về an toàn lao động ở nhiều đơn vị còn hình thức, lỏng lẻo nên để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động tiếp tục gia tăng, có 873 doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền 128,5 tỷ đồng, tăng 31,3% về số doanh nghiệp và 1,6% về số tiền nợ. Một số doanh nghiệp FDI vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đình công tập thể (6 tháng đầu năm đã xảy ra 3 vụ đình công).

7. Trên tuyến biên giới, di cư tự do, hoạt động truyền đạo trái phép, tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp; tình trạng người dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm thuê vẫn tiếp tục diễn ra (còn 4.746 người đang ở lại Trung Quốc); việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đến người dân tại một số địa phương chưa kịp thời và rõ ràng dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp.

8. Công tác quản lý nhà nước ở một số sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế, tính chủ động, quyết liệt trong giải quyết công việc chưa cao; chấp hành các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh có việc, có lúc chưa nghiêm; còn một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín, cam kết cũng như nỗ lực chung của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tóm lại, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2016 là tích cực và khả quan, trong số 12 chỉ tiêu chủ yếu có số liệu thống kê 6 tháng đầu năm (các chỉ tiêu còn lại chỉ thống kê cả năm), có 7 chỉ tiêu đạt trên và xấp xỉ 50% kế hoạch cả năm. Trong các kết quả đạt được, nổi bật là tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng, dịch vụ cao hơn cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh tế đối ngoại và công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh; huy động vốn đầu tư phát triển tăng cao so với cùng kỳ, một số dự án lớn, quan trọng đã được các nhà đầu tư ký kết, triển khai thực hiện; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các chỉ số PCI, PAPI của tỉnh đều tăng và đứng trong top 10 cả nước. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; các chế độ chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo; tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn những hạn chế, như: sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản còn khó khăn; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp còn chậm; nguồn thu xuất nhập khẩu giảm; công tác quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế; tình trạng quá tải bệnh viện, nợ bảo hiểm xã hội, lao động xuất cảnh trái phép, truyền đạo, di dân tự do còn diễn ra và chậm được khắc phục; tại nạn lao động có chiều hướng gia tăng. Công tác quản lý nhà nước ở một số cấp, ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Phần II. Nhiệm vụ và Giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016

I. Nhiệm vụ còn lại 6 tháng cuối năm 2016

Căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2016, nhiệm vụ còn lại của một số chỉ tiêu chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2016 như sau:

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá năm 2010) 6 tháng cuối năm phải đạt 9,9% trở lên (kế hoạch cả năm là 9%), trong đó:

- Nông, lâm, thủy sản tăng 2,1% (KH năm 2,3%);

- Công nghiệp tăng 11,3% (KH năm 10,2%);

- Xây dựng tăng 14,6% (KH năm 15,8%);

- Dịch vụ tăng 7,0% (KH năm 7,2%).

- Thuế sản phẩm 33,8% (KH năm 17,4%).

2. Sản lượng lương thực đạt 722,6 nghìn tấn (KH năm 1,67 triệu tấn).

3. Kim ngạch xuất khẩu đạt 839,3 triệu USD (KH năm 1.620 triệu USD).

4. Huy động vốn ĐTPT đạt 64.250 tỷ đồng (KH năm 125.000 tỷ đồng).

5. Thu NSNN đạt 6.033 tỷ đồng (KH năm 11.100 tỷ đồng).

6. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 38 xã (KH năm 26,2% tổng số xã - tương đương tăng thêm 40 xã).

7. Giải quyết việc làm cho 33.350 lao động (KH năm 64.000 lao động).

8. Số trường học đạt chuẩn quốc gia: 22 trường (KH năm 55,3% tổng số trường - tương đương tăng thêm 46 trường).

II. Một số giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016

Để tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2016, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2016 của UBND tỉnh; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

1. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm

1.1. Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vụ đông theo khung thời vụ với cơ cấu giống hợp lý; tăng cường quản lý vật tư, phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trọng tâm là thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng đợt 2. Đẩy mạnh trồng rừng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản, nhất là chính sách cho vay đóng mới, nâng cấp tàu công suất từ 400 CV trở lên; tiếp tục tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình tổ, đội, hợp tác. Thực hiện xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi bò sữa và dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là dự án của các Tập đoàn Vingroup, FLC, HAGL, TH milk.

Rà soát các phương án phòng chống bão lụt, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư dự trữ và các điều kiện tốt nhất phục vụ phòng chống bão lụt theo phương châm 4 tại chỗ khi có tình huống xảy ra; đôn đốc đẩy nhanh các dự án đê điều, hồ đập, phục vụ phòng chống bão lụt; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân các biện pháp an toàn khi hoạt động sản xuất trên biển.

2.2. Thường xuyên theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; tổng hợp, rà soát các sản phẩm chủ yếu mà kết quả sản xuất 6 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch và cùng kỳ như: bia, xi măng,... để đề ra giải pháp phù hợp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi để doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch cả năm. Đối với các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất đạt khá so với kế hoạch (trên 50%); các sản phẩm đang có thuận lợi về thị trường như: giày, may mặc, VLXD, thủy sản đông lạnh, tinh bột sắn, xi măng,... cần khuyến khích, động viên doanh nghiệp tăng sản lượng, phấn đấu vượt kế hoạch năm để bù đắp cho các sản phẩm dự kiến không đạt kế hoạch; tiếp tục làm việc với các tổng công ty để giao tăng chỉ tiêu cho các doanh nghiệp Thanh Hóa đối với các sản phẩm: bia, thuốc lá, sữa, điện sản xuất; đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp chung của tỉnh.

 Đôn đốc, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp dự kiến hoàn thành trong năm như: xi măng Long Sơn (GĐI), NM sản xuất dầu ăn, thủy điện Trung Sơn, Bá Thước 1, các nhà máy may tại huyện Đông Sơn, Như Thanh và các dự án công nghiệp trọng điểm đang triển khai thực hiện như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thép Nghi Sơn, nhiệt điện Nghi Sơn 2, thủy điện Hồi Xuân...

Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện năng, đấu mối chặt chẽ với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để tăng sản lượng điện cung cấp cho tỉnh, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; thực hiện tốt việc điều tiết điện năng, đảm bảo hợp lý; ưu tiên cấp điện khi thiếu nguồn đối với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất theo công văn số 2115/UBND-CN ngày 10/3/2016 của UBND tỉnh.

2.3. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nội địa và xuất khẩu; thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương “Người Thanh Hóa dùng hàng Thanh Hóa”; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với tổ chức các hội chợ thương mại cấp huyện. Phân tích, dự báo các hiệp định thương mại có hiệu lực trong năm 2016 để cụ thể hóa đối với các ngành sản xuất, dịch vụ của tỉnh nhằm khai thác tối đa lợi thế, giảm tác động trái chiều từ hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống như: vật tư nông nghiệp, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thực phẩm,...

Quản lý tốt hoạt động du lịch trên địa bàn, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, văn hóa giao tiếp; xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo, ép giá du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ vận tải; tạo điều kiện hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay nội địa tại Cảng hàng không Thọ Xuân.

2.4. Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; các nội dung trong biên bản cam kết giữa tỉnh Thanh Hóa và VCCI trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại công khai để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang phải giải quyết; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, mặt bằng, nguyên liệu sản xuất, cấp điện, cấp nước, thủ tục hành chính, thị trường tiêu thụ sản phẩm... để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2016 ở mức cao nhất.

Các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các chính sách tiền tệ, tín dụng của Trung ương trên địa bàn; đẩy mạnh công tác huy động vốn; tiếp tục cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, đồng thời đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và điều kiện cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa.

2. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công

2.1. Hoàn thành đánh giá tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/6/2011 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; trên cơ sở đó, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 để tổ chức thực hiện. Rà soát các tiêu chí thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2015 đạt điểm số, thứ hạng thấp, làm rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để khắc phục nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch theo hướng cụ thể, chi tiết đến từng dự án, nhà đầu tư; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại TX. Sầm Sơn (phối hợp với BIDV tổ chức), Hàn Quốc… Đấu mối chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để tìm hiểu thông tin về định hướng, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của các nhà tài trợ nhằm chuẩn bị hồ sơ, đề xuất dự án cho phù hợp; trong đó tập trung hoàn thành hồ sơ thủ tục để sớm được chấp thuận và triển khai các dự án ODA: Phát triển đô thị động lực Tĩnh Gia; phát triển doanh nghiệp và công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc.

2.2. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; nghiệm thu, lên phiếu giá khối lượng hoàn thành để thanh toán và hoàn ứng theo quy định, nhất là các dự án có số dư tạm ứng lớn từ năm 2014 trở về trước. Các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu đối với các dự án khởi công mới, chậm nhất đến 30/9/2016 (trừ các dự án sử dụng vốn NSTW, dự án thuộc chương trình kiên cố hóa trường lớp học) phải tổ chức lựa chọn được nhà thầu để khởi công xây dựng công trình.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác GPMB. Huy động các nguồn vốn đối ứng (CT 135, CT 257, CTMTQG xây dựng nông thôn mới) thuộc trách nhiệm của địa phương để đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án thực hiện đúng tiến độ và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, tham mưu điều chuyển vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, theo hướng dự án hoàn thành được giao kế hoạch vốn để thanh toán KLHT nhưng đến 30/6/2016 chưa giải ngân hết kế hoạch vốn; dự án chuyển tiếp nhưng đến 30/6/2016 giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn; dự án khởi công mới nhưng đến 30/9/2016 (trừ các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương) chưa lựa chọn được nhà thầu thi công để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm và các dự án đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong công tác chuẩn bị đầu tư. Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2017 theo quy định.

3. Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu cả năm

3.1. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách; tập trung chỉ đạo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các nguồn thu ngân sách theo dự toán; triển khai quyết liệt các biện pháp giảm nợ đọng thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Tập trung cao cho việc thu hồi các khoản nợ đọng ngân sách từ đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất và cấp quyền khai thác khoáng sản.

Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế; tiếp tục mở rộng kê khai thuế qua mạng và thực hiện nộp thuế điện tử thông qua hệ thống kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; tổng hợp để công khai các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng, có số nợ đọng thuế lớn.

3.2. Quản lý chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách theo đúng chế độ và dự toán được giao từ đầu năm; không bổ sung các khoản chi phát sinh ngoài dự toán được duyệt, trừ các trường hợp khẩn cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách, đảm bảo tuân thủ đúng chế độ, chính sách mà Trung ương, tỉnh đã ban hành để đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát.

4. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản; bảo vệ và cải thiện môi trường

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; sớm ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2025. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết, vận chuyển khoáng sản trái phép. Kiểm tra, rà soát các dự án đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án; kiên quyết thu hồi các dự án thực hiện chậm theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường theo kế hoạch; chú trọng kiểm tra các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là các nhà máy sản xuất gần khu vực bờ biển, các dòng sông, trong khu dân cư để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường; sớm ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt để triển khai thực hiện. Có cơ chế gắn trách nhiệm của người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường và người đứng đầu các địa phương, đơn vị nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

5. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội

5.1. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy ở các cấp học, bậc học năm học 2016 - 2017; thực hiện việc sắp xếp và giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định; công khai các khoản thu đầu năm học theo quy định, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo không xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân. Hoàn thành các điều kiện để di chuyển Trường THPT chuyên Lam Sơn đến cơ sở mới trước khi khai giảng năm học 2016 - 2017. Chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX tại Thanh Hóa.

5.2. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới, tăng cường chuyển giao kỹ thuật điều trị chuyên sâu cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm giảm tải cho tuyến trên; tổ chức thực hiện tốt việc áp dụng giá dịch vụ y tế theo khung giá mới. Tăng cường công tác y tế dự phòng; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không để xảy ra dịch lớn; thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm.

5.3. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2016; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành đề án phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH và hội nhập quốc tế; đề án phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, phục vụ phát triển du lịch; triển khai lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Hang Con Moong. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao quần chúng; chuẩn bị tốt các điều kiện để thể thao thành tích cao tham gia các giải đấu quốc gia và quốc tế đạt thành tích cao nhất.

5.4. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách và các quy định về an toàn lao động, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động. Nắm bắt, xử lý kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động để ngăn chặn, hạn chế nguy cơ đình công, lãn công trái pháp luật. Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và các chế độ, chính sách đối với người có công; thường xuyên theo dõi tình hình đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, dịch bệnh để có phương án cứu trợ kịp thời, không để nhân dân thiếu đói.

6. Bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn

Các lực lượng vũ trang tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình, duy trì tốt chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tăng cường tuần tra, quản lý biên giới, các địa bàn trọng điểm; tập trung giải quyết kịp thời những vụ việc nổi cộm, không để phát sinh thành điểm nóng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hiệp đồng với các đơn vị, địa phương tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp.

Đẩy mạnh đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, kiềm chế không để tội phạm gia tăng; ngăn chặn, kiểm soát người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; quản lý chặt chẽ lao động người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh; xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động truyền đạo trái phép, di cư tự do ở khu vực miền núi, biên giới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

7. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy, quy chế hoạt động và các quy định trong quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành; xử lý nghiêm các cơ quan đơn vị tham mưu đề xuất không phù hợp với quy định của pháp luật; chậm trễ, không chấp hành chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Tổ chức thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định “3 không” trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân; kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc.

Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương hoàn thành các chương trình, đề án để trình UBND, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét phê duyệt trong 6 tháng cuối năm; đồng thời, tiến hành đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2017, báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp chung của tỉnh nêu trên và những kết quả đạt được của từng ngành, địa phương, đơn vị trong 6 tháng đầu năm; các cấp, các ngành khẩn trương xác định mục tiêu, nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm 2016, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và phân công nhiệm vụ rõ ràng để tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2016 đã đề ra, góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016./.

<

Tin mới nhất

Tham vấn ý kiến về dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về phân cấp...(24/11/2023 10:07 SA)

Tham vấn ý kiến góp ý vào hồ sơ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về cơ chế lồng ghép...(16/11/2023 7:30 SA)

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045(28/02/2023 2:25 SA)

Thủ tướng: Đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phát huy vai trò nguồn lực,...(21/02/2023 1:19 SA)

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6 – 2021(25/06/2021 1:45 SA)

Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chương trình hành...(15/06/2020 7:53 SA)

Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công(07/04/2020 10:42 SA)

Đề cương Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện khâu đột phá về phát triển nhanh và đồng bộ hệ...(04/09/2019 11:17 SA)

°