Thanh Hóa: Ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su giai đoạn 2011 - 2015.

(Thanh Hoa Portal) - Ngày 21 - 01, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2011 - 2015, như sau:

- Đối tượng được hưởng chính sách: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, tự đầu tư hoặc liên kết với các doanh nghiệp đầu tư trồng mới cao su. Hộ gia đình, cá nhân được nhận khoán đất của các Ban Quản lý rừng phòng hộ hoặc của các nông, lâm trường quốc doanh trước đây, thời gian nhận khoán từ 30 năm trở lên, tự đầu tư 100% vốn trồng mới cao su. Các đối tượng trên có diện tích trồng mới cao su từ 0,5 ha trở lên nằm trong vùng quy hoạch phát triển cao su được UBND tỉnh phê duyệt và bảo đảm cơ cấu giống, kỹ thuật, được UBND huyện nghiệm thu đạt chất lượng theo qui định.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ trồng mới và chăm sóc 2 năm đầu: 9.000.000 đồng/ha, được chia thành 2 lần: Lần 1, sau khi trồng xong, giống đảm bảo chất lượng, đúng cơ cấu, trồng đúng kỹ thuật, tỷ lệ sống đạt trên 90%, hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu được hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha. Lần 2, cuối năm thứ 2, nếu vườn cao su sinh trưởng, phát triển tốt, được cấp có thẩm quyền nghiệm thu thì được hỗ trợ số tiền còn lại 2.000.000 đồng/ha. Thời gian thực hiện hỗ trợ của chính sách từ gày 01/01/2011 đến hết ngµy 31/12/2015. 

+ Tập huấn cho hộ nông dân: Các hộ trồng mới cao su được chọn 01 người tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su. Số lớp tập huấn: 220 lớp; định mức kinh phí/lớp theo qui định hiện hành. Thời gian thực hiện hỗ trợ của chính sách này trong 3 năm, từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2013.

- Nguồn kinh phí thực hiện: Từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn của liên ngành để thực hiện nội dung chính sách nêu trên. Yêu cầu nội dung hướng dẫn phải đúng qui định pháp luật, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, rõ về trình tự, thủ tục cấp phát, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ; tránh gây phiền hà cho đối tượng được hỗ trợ. Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của các huyện, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh giao kế hoạch số lượng và kinh phí hỗ trợ cho từng huyện. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách nêu trên về UBND tỉnh.

Quyết định giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch vµ Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí có mục tiêu cho các huyện để triển khai thực hiện chính sách; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn của liên ngành về thực hiện nội dung chính sách nêu trên.

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phổ biến, đôn đốc các xã trên địa bàn huyện triển khai thực hiện Quyết định này. Căn cứ thực tế của huyện, các qui định tại Quyết định này và hướng dẫn của liên ngành để tiến hành xem xét, quyết định mức hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng theo thẩm quyền được giao; nghiệm thu, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục cấp phát, thanh quyết toán theo qui định hiện hành của nhà nước và hướng dẫn của liên ngành. Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật trong việc quyết định mức hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng.  

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, căn cứ vào điều kiện cụ thể của huyện để đề xuất Hội đồng nhân dân huyện ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn huyện; đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi để các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trên địa bàn huyện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện chính sách về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.