Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước
Ngày 24/01/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; có hiệu lực từ ngày 12/3/2019, gồm 05 chương 33 điều.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Nghị định quy định nguyên tắc, thẩm quyền ban hành và nội dung chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; các yêu cầu đối với việc ban hành chế độ báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chế độ báo cáo và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ báo cáo. Đối tượng áp dụng là cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chế độ báo cáo do cơ quan hành chính nhà nước ban hành.
Thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trong phạm vi cả nước. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành chế độ báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trong phạm vi cả nước. Cơ quan thuộc Chính phủ ban hành chế độ báo cáo chuyên đề, đột xuất yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trong phạm vi cả nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định pháp luật. Đối với chế độ báo cáo định kỳ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. UBND cấp tỉnh ban hành chế độ báo cáo định kỳ, chuyên đề, đột xuất yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp tỉnh thực hiện. UBND cấp huyện ban hành chế độ báo cáo chuyên đề, đột xuất yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp huyện thực hiện. UBND cấp xã ban hành chế độ báo cáo đột xuất yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp xã thực hiện. Chủ tịch UBND các cấp ban hành chế độ báo cáo đột xuất yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý thực hiện.
Nội dung và yêu cầu ban hành chế độ báo cáo
Nội dung chế độ báo cáo bao gồm: Tên báo cáo; nội dung yêu cầu báo cáo; đối tượng thực hiện báo cáo; cơ quan nhận báo cáo; phương thức gửi, nhận báo cáo; thời hạn gửi báo cáo; tần suất thực hiện báo cáo; thời gian chốt số liệu báo cáo; mẫu đề cương báo cáo; biểu mẫu số liệu báo cáo; hướng dẫn quy trình thực hiện báo cáo.
Nghị định đưa ra các yêu cầu chung về việc ban hành chế độ báo cáo, trong đó quy định đối với từng nội dung thành phần của chế độ báo cáo. Ngoài ra, có các yêu cầu đối riêng với việc ban hành chế độ báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề, báo cáo định kỳ. Một vấn đề cần quan tâm là quy định thống nhất về thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo trong chế độ báo cáo định kỳ; theo đó, báo cáo định kỳ hằng tháng tính từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo, báo cáo định kỳ hằng quý tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo, báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/6 của kỳ báo cáo, 6 tháng cuối năm được tính từ ngày 15/6 đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo, báo cáo định kỳ hằng năm tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo. Đối với các báo cáo định kỳ khác, thời gian chốt số liệu do cơ quan ban hành chế độ báo cáo quy định, nhưng phải đáp ứng các quy định tại Nghị định. Thời hạn các bộ, cơ quan, địa phương gửi báo cáo định kỳ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào ngày 25 của tháng cuối kỳ báo cáo, trừ trường hợp có quy định khác. Các bộ, cơ quan, địa phương quy định thời hạn gửi báo cáo phù hợp khi ban hành chế độ báo cáo định kỳ.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo và xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia
Nghị định quy định các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo để thực hiện báo cáo điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp, chia sẻ thông tin báo cáo và tiết kiệm về thời gian, chi phí cho các đối tượng thực hiện báo cáo.
Ngoài ra, Nghị định quy định nguyên tắc xây dựng, cập nhật, khai thác dữ liệu từ Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; yêu cầu chung về chức năng cơ bản của Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; yêu cầu về chức năng cơ bản của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và hệ thống thông tin báo cáo bộ, cơ quan, địa phương – hai bộ phận cấu thành của Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Quyền, trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương và tổ chức, cá nhân trong thực hiện chế độ báo cáo
Về khai thác, sử dụng dữ liệu trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Nghị định quy định các cơ quan hành chính nhà nước được quyền khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo phân cấp quản lý. Các bộ, cơ quan, địa phương tham gia thu thập, xử lý, cập nhật thông tin báo cáo được truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu theo phân quyền; được quyền trích xuất dữ liệu do mình trực tiếp cập nhật để tổ chức thành bộ dữ liệu riêng phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành của mình. Văn phòng Chính phủ sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ để kết nối, trích xuất thông tin từ các Hệ thống thông tin báo cáo bộ, cơ quan, địa phương, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cung cấp, chia sẻ và công khai thông tin báo cáo, phân công đầu mối quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin báo cáo theo quy định tại Luật Tiếp cận thông tin và Điều 22 Nghị định.
Về thực hiện chế độ báo cáo, cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy trình, thời hạn của các chế độ báo cáo; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo khi được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo do mình cung cấp; người ký báo cáo phải đúng thẩm quyền, phù hợp với từng loại báo cáo và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo. Cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan, Nghị định cũng quy định trách nhiệm cụ thể của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ… và trách nhiệm của bộ, cơ quan, địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra tại Nghị định.
Triển khai Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, thời gian tới, các bộ, cơ quan, địa phương phải ban hành văn bản quy định hoặc hướng dẫn đầy đủ các thành phần của chế độ báo cáo định kỳ thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý; công bố danh mục báo cáo định kỳ quy định tại văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc tham mưu ban hành trên Cổng Thông tin điện tử, Trang Thông tin điện tử của bộ, cơ quan; thường xuyên tổ chức rà soát chế độ báo cáo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng các nguyên tắc và yêu cầu của Nghị định; tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành các Hệ thống thông tin báo cáo; hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng thực hiện báo cáo....
Kích vào đây để xem nội dung chi tiết...