Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài 3): Đưa công nghiệp lọc hóa dầu và hóa chất thành thế mạnh

Tại các định hướng chiến lược phát triển, mà gần đây nhất là "Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Trong lộ trình phát triển này, tỉnh Thanh được hoạch định lấy công nghiệp năng lượng và chế biến chế tạo làm nền tảng. Trong đó, lọc hóa dầu và hóa chất được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn.

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - tổ hợp hóa dầu chế biến sâu tầm cỡ thế giới và phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam và khu vực. Ảnh: Minh Hằng

Với tổng mức vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu (DALHLHD) Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam tại thời điểm xây dựng cũng như hiện nay. Đây là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu tầm cỡ thế giới và phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam và khu vực, với 38 phân xưởng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Với công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô 1/năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành đã đáp ứng gần 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời tạo tiền đề căn bản cho nhiều ngành công nghiệp sau lọc dầu và dịch vụ phát triển.

Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, tuy có những thời điểm khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng, DALHLHD Nghi Sơn đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Dự án đã tạo ra bước tăng trưởng đột biến về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Ngày 8-3 vừa qua, chuyến tàu chở dầu thô thứ 150 mang tên Viễn Thụy Dương, có quốc tịch Trung Quốc chở gần 272.000 tấn dầu từ Cô-Oét đã cập phao rót dầu không bến thuộc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự vận hành ổn định của nhà máy sau những nỗ lực tái cấu trúc vừa qua. Được biết, trong năm 2022, ngành dầu khí gặp thách thức lớn do ảnh hưởng của tình hình thế giới tác động đến giá dầu thô và chênh lệch giá sản phẩm. Tuy nhiên, với các phương án sản xuất linh hoạt và tái cấu trúc kịp thời, các mục tiêu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đạt 88% kế hoạch đặt ra với 8,9 triệu tấn dầu thô nhập khẩu, xuất bán hơn 6.081 tấn sản phẩm lọc dầu, 900 tấn sản phẩm hóa dầu và một số sản phẩm khác, đóng góp 80% trong thuế xuất nhập khẩu của tỉnh.

Như vậy, từ chuyến tàu đầu tiên vào tháng 8-2017, đến nay, đã có 150 chuyến tàu chở gần 41 triệu tấn dầu thô cung cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với số thu thuế từ nhập khẩu dầu thô đạt hơn 49.000 tỷ đồng. Năm 2022, đóng góp quan trọng từ thuế nhập khẩu dầu thô của nhà máy đã góp phần đưa tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa lên con số hơn 51.000 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt Thanh Hóa chính thức gia nhập nhóm các tỉnh, thành có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ mỗi năm. Dự đoán, số thu ngân sách từ dự án này sẽ còn tăng lên nhiều lần nếu các hạng mục đầu tư tiếp theo của dự án được thực hiện theo kế hoạch.

Với lợi thế hệ thống Cảng nước sâu Nghi Sơn, công nghiệp lọc hóa dầu đã từng được nhiều thế hệ lãnh đạo Trung ương và tỉnh, các chuyên gia kinh tế nghiên cứu và định hướng qua nhiều thời kỳ, cũng như dốc tâm, dốc lực trong hành trình hợp tác quốc tế để hiện thực hóa dự án.

Tiếp theo đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kiên định mục tiêu tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng (lọc hóa dầu, điện năng) và công nghiệp chế biến, chế tạo (bao gồm sản phẩm hóa dầu, sau lọc hóa dầu) để sớm đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp.

Hoạt động của DALHLHD Nghi Sơn góp phần quan trọng đưa Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ không chỉ kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa mà cả vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ và khu vực Bắc Trung bộ. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng của Việt Nam đối với các sản phẩm lọc hóa dầu, trong mọi thời điểm.

Hiện diện tại KKTNS đang được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ, DALHLHD Nghi Sơn đã và đang tạo tiền đề phát triển các ngành sản xuất sau lọc dầu, hóa dầu. Tại đây, bên cạnh các sản phẩm chủ lực là lọc dầu như: Khí hóa lỏng LPG, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa..., một số sản phẩm hóa dầu như: Benzen, Polypropylene và lưu huỳnh... cũng đã được sản xuất, xuất bán ra thị trường. Các sản phẩm hóa dầu này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp chế biến để sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Chuyến tàu chở dầu thô thứ 150 mang tên Viễn Thụy Dương, có quốc tịch Trung Quốc chở gần 272.000 tấn dầu từ Cô-Oét đã cập phao rót dầu không bến thuộc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ngày 8-3-2023. Ảnh: Minh Hằng.

Trong chuyến làm việc cuối năm 2020 với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã thông tin về chiến lược đầu tư 4 trung tâm dầu khí trọng điểm quốc gia, trong đó, lấy Nghi Sơn (Thanh Hóa) làm khu liên hợp dầu khí trọng điểm của miền Bắc với DALHLHD Nghi Sơn làm hạt nhân. Theo đó, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN đánh giá, DALHLHD Nghi Sơn hiện nay cũng như trong tương lai sẽ mang lại những giá trị và hiệu quả to lớn. Cùng với xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm khu liên hợp dầu khí trọng điểm miền Bắc, PVN sẽ phát triển thêm các doanh nghiệp dầu khí phụ trợ để phát triển đầy đủ các ngành như phân phối kinh doanh sản phẩm hóa dầu, xây dựng hệ thống cảng, tổng kho phân phối các sản phẩm khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu... Đặc biệt, PVN sẽ xây dựng khu chế biến khí và cung cấp khí hóa lỏng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, khu công nghiệp trong vùng theo đúng định hướng phát triển năng lượng xanh của Chính phủ. Nếu mục tiêu này thành hiện thực, Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm dầu khí như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng thu ngân sách lớn cho tỉnh.

Cũng từ sự hiện diện của DALHLHD Nghi Sơn, vừa là tiềm năng đầu ra, cũng như đầu vào của một số ngành công nghiệp hóa chất. Do đó, ngành công nghiệp này cũng được định hướng là mũi nhọn trong định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Và, mục tiêu phát triển các ngành chế biến phụ trợ, công nghiệp sau lọc hóa dầu đã sắp thành hiện thực khi tỉnh Thanh Hóa thu hút được Tổ hợp hóa chất Đức Giang. Được biết, dự án này được mệnh danh là “siêu dự án” của Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang, với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn lên tới 12.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng trên quy mô 30 ha, nhà máy sẽ sản xuất ra 151.000 tấn hóa chất/năm. Trong đó, có 50.000 tấn xút NaOH quy đặc 100%, 30.000 tấn chất xử lý nước (PAC), 20.000 tấn bột tẩy trắng Ca, 15.000 tấn axit HCI... Khi giai đoạn 2 đi vào vận hành, sản phẩm nhựa dẻo PVC sẽ ra đời và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được sản phẩm có công nghệ chế biến phức tạp này.

Ông Lưu Bách Đạt, Giám đốc Dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang, cho biết: Về yếu tố đầu vào, vị trí của dự án có nhiều lợi thế như gần hệ thống Cảng nước sâu Nghi Sơn, mỏ đá vôi quanh khu vực này có trữ lượng lớn. Về đầu ra, công ty đánh giá thị trường nội địa có nhu cầu lớn, bởi năng lực sản xuất hóa chất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, hóa chất trong nước mới đáp ứng 50% cho công nghiệp và tiêu dùng. Nếu sản xuất được sẽ hạ được giá thành sản phẩm và chủ động đầu vào cho nhiều nhà máy lớn. Hóa chất Đức Giang đã “nhắm” đến nhiều khách hàng như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các nhà máy nhiệt điện tại KKTNS... Khi giai đoạn 1 đi vào vận hành, Tổ hợp hóa chất Đức Giang dự kiến giải quyết việc làm cho 300 lao động trực tiếp và đóng góp khoảng 100 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa mỗi năm. Khi tổ hợp đi vào vận hành hoàn chỉnh, sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Đến nay, thị xã Nghi Sơn đã có bản hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng, giao cho Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án trong tháng 6-2023. Tổng vốn đã giải ngân của dự án khoảng 461,5 tỷ đồng. Một số khó khăn, tồn tại nhỏ trong công tác giải phóng mặt bằng dự án này đang được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vào cuộc để tháo gỡ.

Trên đây là những cơ sở và niềm tin hiện hữu để biến KKTNS nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung thành trung tâm lọc hóa dầu và hóa chất của cả nước theo định hướng của Nghị quyết 58/NQ-CP cũng như Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được ban hành.

baothanhhoa.vn