Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024

Ngày 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.

Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm đạt 13 kết quả nổi bật.

Thứ nhất, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Có 60/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng so với cùng kỳ, trong khi có 3 địa phương giảm. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm-cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4%, 7 tháng tăng 8,7%.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6 (lạm phát cơ bản tăng 2,73%, tăng 0,02% so với tháng 6) trong bối cảnh tăng lương cơ bản. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỷ USD, tăng lần lượt 5,8% và 25,1% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tháng 7 tăng 6,7% so với tháng 6 và 19,1% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 15,7% (khu vực trong nước tăng 21,1%, cao hơn khu vực FDI tăng 13,8%); nhập khẩu tăng 18,5%; xuất siêu 14,08 tỷ USD.

Thứ tư, thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính-ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện. Tổng ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87.200 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.

Thứ năm, du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế tháng 7 đạt 1,15 triệu lượt; tính chung 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch COVID-19.

Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 34,68% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.

Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tháng 7 có 14.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,3% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng có 139.500 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ (cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).

Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội theo tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Tổng số kinh phí trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng. Trong tháng 7 có 95,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ.

Thứ chín, thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7/2024, nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

Thứ mười, tập trung xây dựng và đã cơ bản hoàn thành việc ban các nghị định hướng dẫn các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Mười một, cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Mười hai, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên; nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Mười ba, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, nhất là hỗ trợ các gia đình có người thân bị thiệt mạng, nhà ở bị cuốn trôi, hư hỏng…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, nhấn mạnh thêm một số nội dung về công tác chỉ đạo, điều hành và những kết quả đạt được trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm.

Trong tháng 7, Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chu đáo, an toàn, thể hiện tình cảm sâu nặng và biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với đồng chí.

Thủ tướng đánh giá, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai chủ động, quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, chúng ta đã theo dõi sát, nắm chắc tình hình, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh trong ngắn hạn, bảo đảm hài hòa với các nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Trong tháng 7, đã ban hành 23 nghị định, 20 nghị quyết của Chính phủ và 3 quyết định, 8 công điện, 4 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tính chung 7 tháng đã ban hành 104 nghị định, 153 nghị quyết, 812 quyết định, 24 chỉ thị, 71 công điện.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo về thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; tổ chức các hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công, đôn đốc tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, đường dây 500 kV mạch 3…

Về kết quả kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024, Thủ tướng khái quát tình hình tiếp tục xu hướng tích cực, nhìn chung kết quả tháng 7 cao hơn tháng 6 và tính chung 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, cảm ơn, biểu dương, đánh giá cao các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã nỗ lực, cố gắng, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng chỉ rõ tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức. Sau khi phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, Thủ tướng cơ bản đồng ý các bài học kinh nghiệm đã nêu trong báo cáo, các ý kiến phát biểu tại Phiên họp và nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm.

Theo đó, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cơ quan, đơn vị, trong cả hệ thống chính trị và toàn dân; nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tự lực, tự cường, gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; chú trọng hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự phấn khởi, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm, nỗ lực vươn lên.

Thời gian tới, Thủ tướng dự báo bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Quan điểm chỉ đạo chung là tháng sau đạt kết quả cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thành quả năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cơ bản đồng ý theo các báo cáo, ý kiến phát biểu và nhấn mạnh 12 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền bám sát tình hình, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả", tăng cường giám sát, kiểm tra, triển khai thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời.

Thứ hai, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.

Về chính sách tiền tệ, NHNN tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Về chính sách tài khoá, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và các cơ quan liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu. Chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý (giáo dục, y tế). Kiên quyết không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống.

Đồng thời, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030. Trong đó đặc biệt lưu ý dứt khoát không bố trí dàn trải; chi đầu tư ngân sách Trung ương tập trung cho các công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia, công trình có tính liên vùng, kết nối quốc tế.

Thứ ba, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.

Về xuất khẩu, củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới (UAE, Halal, Mỹ Latinh); hỗ trợ doanh nghiệp chẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam…

Về tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt (gắn với hoá đơn điện tử, thu thuế).

Có cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ như chip bán dẫn, AI…).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo đột phá trong các lĩnh vực này; trong đó lưu ý xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển kinh tế xanh (thị trường tín dụng xanh, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn…) ; nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, AI.... Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Thứ tư, quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia (nhất là dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, tổ chức khánh thành trong dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9); hệ thống đường bộ cao tốc (phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km).

Khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước 15/8/2024.

Thứ năm, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để sửa đổi, bổ sung; báo cáo Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Khẩn trương trình ban hành Nghị định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho chi đầu tư (để sửa chữa, nâng cấp công trình dưới 15 tỷ đồng) (Bộ Tài chính chủ trì) và Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (Bộ Công Thương chủ trì).

Nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật không còn phù hợp dưới hình thức một luật sửa nhiều luật (Bộ Tư pháp chủ trì).

Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã ban hành, đặc biệt là các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Thứ sáu, tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài.

Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại; không để ai không có chỗ ở, không để ai bị đói, bị rét. Làm tốt công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ kịp thời, không để ai bị đói.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh vận động, ủng hộ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bộ Y tế tập trung xử lý các vấn đề, đưa các hoạt động các dự án Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này; bảo đảm vệ sinh, an toàn học đường; phòng chống đuối nước ở trẻ em. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường nắm tình hình; chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, nhất là ở các khu công nghiệp.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án chuyển đổi số kết nối với Đề án 06 ngay trong tháng 8/2024.

Thứ chín, tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ mười, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao; chủ động triển khai các thỏa thuận cấp cao và chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm sắp tới. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán các FTA mới.

Mười một, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, các mô hình hay, cách làm tốt. góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội.

Mười hai, tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng; chuẩn bị tốt các Đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Tags:

Nguồn:chinhphu.vn