Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Cùng tham gia buổi làm việc có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Trước khi bước vào buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ đã tặng hoa chúc mừng đồng chí Lương Cường vừa được bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Kinh tế tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực
Chủ tịch nước Lương Cường, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo với Chủ tịch nước và Đoàn công tác Trung ương về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn, thách thức; song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn trình bày báo cáo tại buổi làm việc.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 9,92%; trong đó, năm 2024 ước đạt 12,16%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 318.752 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD, gấp 1,52 lần năm 2020.
Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 318.752 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD, gấp 1,52 lần năm 2020. |
Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 4,05%. Ước đến hết năm 2024, có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông nông thôn (NTM), 377/465 xã đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 548 sản phẩm OCOP được công nhận.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên dự buổi làm việc.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (giai đoạn 2021- 2024) ước đạt 16,45%. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021- 2024 ước đạt 189.588 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2024 ước đạt 54.341 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay...
Văn hoá, xã hội chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng- an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn trình bày báo cáo tại buổi làm việc.
Báo cáo với Chủ tịch nước về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân chung của cả nước. Để hoàn thành mục tiêu này, Thanh Hóa đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Đoàn công tác Trung ương dự buổi làm việc.
Tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ để Thanh Hóa phát triển
Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hoá đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình thực hiện đầu tư dự án tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại huyện Ngọc Lặc) với Quốc lộ 6 (tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) có chiều dài 109km, tổng kinh phí khoảng 16.500 tỉ đồng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và đại biểu dự buổi làm việc.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường nối TP Thanh Hóa đi huyện Ngọc Lặc và các huyện phía tây Thanh Hóa để giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu; qua khảo sát, tuyến mới có chiều dài khoảng 54km, trong đó đầu tư mới 49,3km (còn lại 4,7km trùng với các tuyến đường hiện hữu) với tổng mức đầu tư khoảng 5.400 tỉ đồng. Đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách trung ương để đầu tư dự án trên.
Đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ giao bổ sung biên chế ngành giáo dục cho tỉnh Thanh Hóa trong năm 2025 và 2026 đảm bảo theo Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Thanh Hóa giao hợp đồng lao động giáo viên, nhân viên hành chính theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đại biểu dự buổi làm việc.
Đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 76/2019/NĐ-CP theo hướng bổ sung chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, với mức phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng.
Đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh nâng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh trong thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nhằm đảm bảo nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc.
Thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội nghị, trên cơ sở gợi mở của Chủ tịch nước Lương Cường, các thành viên của Đoàn công tác Trung ương ấn tượng và đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm luôn ở mức cao.
Với tinh thần đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa, các thành viên Đoàn công tác Trung ương đã có những ý kiến đóng góp xác đáng, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, để Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải phát biểu tại buổi làm việc.
Trọng tâm là tận dụng, khai thác tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ.
Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc.
Trong đó ưu tiên phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh việc huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu...
Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thành Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị tỉnh Thanh Hóa phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội mới, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; chủ động ứng phó và vượt qua khó khăn, thách thức; khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém; huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc.
Trong đó, tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng, tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công...
... phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội mới, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; chủ động ứng phó và vượt qua khó khăn, thách thức; khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém; huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã cho ý kiến vào những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách trung ương để đầu tư các dự án; bổ sung chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Phát huy truyền thống đoàn kết, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, toàn diện
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ: Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng; có dân số đông, diện tích rộng, hội tụ đủ 3 vùng địa lý, các loại hình giao thông, cùng với lợi thế “biển bạc, rừng vàng", nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa là “vùng đất phên dậu”, “vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, giữ vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế, nơi khởi nguồn của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử hào hùng dựng nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc.
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hoá luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040.
Đây được xem là “chìa khóa" quan trọng, là tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai; đồng thời, tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Thanh Hóa.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực và đời sống của Nhân dân, nhưng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Chủ tịch nước Lương Cường
Chủ tịch nước khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực và đời sống của Nhân dân, nhưng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.
Chủ tịch nước đồng tình với những đánh giá thẳng thắn về các hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh; đồng thời, cũng thống nhất với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã xác định trong Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước, đề nghị tỉnh Thanh Hoá cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng phấn đấu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành “Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc”, đến năm 2045 là “tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.
Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của tỉnh; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc.
Chủ tịch nước Lương Cường
Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của tỉnh; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trọng tâm là nghiên cứu xây dựng những định hướng lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới; đồng thời, làm tốt công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp với tinh thần nghiêm túc, thận trọng, khách quan, kiên quyết không để lọt vào khóa mới những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh; tăng cường đổi mới, sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội lực của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ tịch nước Lương Cường
Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng của vùng đất và con người xứ Thanh; tăng cường đổi mới, sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội lực của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Tranh thủ thời cơ, thuận lợi, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và sự ủng hộ, hợp tác của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, địa phương trong tỉnh.
Tận dụng và phát huy hơn nữa vị trí địa chính trị, địa kinh tế và vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng của tỉnh; quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch; trong đó, cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội và các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành.
Chú trọng sắp xếp, phân bố không gian phát triển theo hành lang kinh tế, trục phát triển; trong đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế...
Chủ tịch nước Lương Cường
Chú trọng sắp xếp, phân bố không gian phát triển theo hành lang kinh tế, trục phát triển; trong đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ nói riêng và các địa phương khác của cả nước nói chung trong việc hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các trục giao thông có khả năng kết nối đến các trung tâm kinh tế lớn hiện hữu của vùng, các trung tâm chế biến và các thị trường tiêu thụ.
Quan tâm hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, nơi cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu xây dựng và triển khai có hiệu quả các phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng phân tán dân cư nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm chi phí cung cấp các dịch vụ công, như: Y tế, giáo dục, dịch vụ hành chính công...
Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp để thu hút các dự án đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mới.
Thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công để dẫn dắt, thu hút các nguồn lực hợp pháp của xã hội, tạo chuyển biến rõ nét về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh, phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng chiều sâu, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ và du lịch; xây dựng, định vị và nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu du lịch Thanh Hóa, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử của tỉnh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân; thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, tôn giáo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên; tăng cường công tác bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện và khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời giải quyết những khiếu nại, bức xúc, tố cáo của Nhân dân, quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đắc lực cùng với Nhân dân cả nước bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển.
Tập trung triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trọng tâm trước mắt là tập trung tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 - 2025, bảo đảm các điều kiện để bộ máy của hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả kể từ ngày 1/1/2025 theo đúng kế hoạch đề ra.
Năm 2025 là năm “Tăng tốc - Bứt phá - Về đích”, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt, hiệu quả để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025...
Chủ tịch nước Lương Cường
Chủ tịch nước nêu rõ: Năm 2025 là năm “Tăng tốc - Bứt phá - Về đích”, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt, hiệu quả để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025; trong đó, cần tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp bảo đảm tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống của người dân.
Thống nhất với các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Lương Cường giao các bộ, ngành Trung ương phối hợp với tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện, với tinh thần sớm nhất, nhanh nhất.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và tinh thần sáng tạo, tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước của tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch nước tin tưởng sâu sắc rằng: Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá sẽ thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, trở thành “Tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Tiếp thu đầy đủ, quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch nước
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh trân trọng cảm ơn sự quan tâm đặc biệt và tình cảm quý báu của đồng chí Chủ tịch nước dành cho tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu của đồng chí Chủ tịch nước chứa đựng nhiều tâm huyết, tình cảm sâu sắc, thể hiện sự mong đợi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, là nguồn động viên, động lực cổ vũ, khích lệ to lớn, là định hướng, gợi mở, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện, xuyên suốt đối với tỉnh Thanh Hoá trong thời kỳ mới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Những chỉ đạo của Chủ tịch nước sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, nhân thêm sức mạnh để tỉnh Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu, vươn lên thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ: Năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập Nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển mạnh mẽ hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế biển, kinh tế số, xã hội số, công dân số; chăm lo an sinh, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển mạnh mẽ hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế biển, kinh tế số, xã hội số, công dân số; chăm lo an sinh, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh
Triển khai có hiệu quả công tác xây dựng chính đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tinh gọn tổ chức bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Chủ tịch nước Lương Cường tặng quà cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Trung ương để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định vị thế, vai trò đầu tàu của một trung tâm kinh tế năng động vùng Bắc Trung bộ, có đóng góp ngày quan trọng vào sự phát triển của đất nước; tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Baothanhhoa.vn