Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Theo báo cáo nhanh của các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, đến 10 giờ sáng nay, Thanh Hóa đã xác định 5.763 trường hợp đi về từ vùng dịch, trong đó có 88 trường hợp đã đến 29 điểm dịch theo thông báo của Bộ y tế, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 20 trường hợp, và cả 20 trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARD-COV-2, trong ngày hôm nay và ngày mai, 66 trường hợp liên quan trực tiếp còn lại sẽ đươc xét nghiệm.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện đang cách ly tập trung 314 người tại các khu cách ly tập trung của huyện và tỉnh, 5.763 người Việt Nam và 01 người nước ngoài đang cách ly tại nơi cư trú, chủ yếu là số người từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch về.
Lượng vật tư phòng hộ, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch và xét nhiệm có thể đáp ứng yêu cầu nếu mức độ dịch như đợt một, song nếu dịch diễn biến phức tạp hơn thì sẽ khó bảo đảm.
Lực lượng công an cũng đã rà soát có danh sách 2.102 nười nước ngoài, đến từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh hợp pháp vào tỉnh, được theo dõi kiểm tra y tế, chưa phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19; đã phát hiện 6 trường hợp nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh
Những ngày qua, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện, xã, và các tổ giám sát cộng đồng đã nắm bắt và thích ứng nhanh với yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới, công tác giám sát, xác định những người trở về từ vùng dịch được thực hiện nhanh và khá đầy đủ, công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh được đẩy mạnh và có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên các thành viên ban chỉ đạo cho rằng, tính quyết liệt, vào cuộc thực sự của một số ban chỉ đạo vẫn chưa cao; việc giám sát cách ly tại gia đình của các đối tượng trở về từ vùng dịch chưa chặt chẽ; sau thời gian Việt Nam thành công trong khống chế dịch, một bộ phận cán bộ và nhân dân rất chủ quan trong phòng chống dịch, không tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người; một số cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện tốt yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang; phân luồng khám chữa bệnh; giám sát, cách ly, phòng chống lây chéo trong bệnh viện, tốc độ xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nguy cơ cao còn chậm so với yêu cầu.
Tại hội nghị các đại biểu đề nghị cần nâng mức độ quyết liệt trong phòng chống dịch, trong đó cần đặc biệt tăng cường kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch ở xã, thôn bản, khu phố, thông tin tuyên truyền đến từng người dân về chỉ động phòng chống dịch và đeo khẩu trang tại các hội nghị, sự kiện tập trung đông người, nơi công cộng; tái lập các chốt kiểm soát phương tiện giao thông vào tỉnh, qua đường bộ, đường hàng không, đường biển, biên giới trên bộ; thực hiện triệt để yêu cầu phòng chống dịch, đặc biệt là khử trùng phương tiện, bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến tàu. Cần có kịch bản ứng phó chủ động cho cả khối dự phòng và khối điều trị trong tình huống dịch diễn tiến phức tạp...
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch khó khăn hơn khi dịch đã có ở 7 tỉnh, số lượng người Thanh Hóa có liên quan đến Đà Nẵng lớn, trên diện rộng; do vậy có nguy cơ cao bị lây nhiễm.
Qua nghe báo cáo kiểm tra tình hình chống dịch COVID-19 tại các địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 125/TB-UBND ngày 28/7/2020, các ngành, địa phương đã triển khai tương đối tốt. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác triển khai, một số huyện triển khai hiệu quả chưa tốt, việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” chưa được tiến hành sâu sát; ý thức của một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh tại xã chưa cao, chưa hiệu quả. Việc triển khai xét nghiệm còn chậm, nhất là các đối tượng đi từ vùng dịch về.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa nhấn yêu cầu cần tiếp tục giám sát tất cả các trường hợp có nguy cơ và số đối tượng cách ly tại nhà từ Đà Nẵng về Thanh Hóa, bổ sung đối tượng trở về từ vùng dịch trong khoảng thời gian từ 1/7 - 10/7 theo yêu cầu của Bộ Y tế. Những đối tượng đã hết thời gian cách ly cần tiếp tục được theo dõi sức khỏe, bắt buộc đeo khẩu trang. Tiếp tục rà soát, bổ sung các đối tượng về từ vùng dịch, người nhập cảnh trái phép vào Thanh Hóa, yêu cầu tiếp tục tổ chức tốt hoạt động giám sát từ thôn, bản, xã. Nếu để trường hợp lây nhiễm bệnh trong cộng đồng do công tác giám sát của địa phương nào, thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm; xảy ra tại xã nào, thôn, bản nào thì cán bộ xã, thôn, bản đó phải chịu trách nhiệm. Trong công tác giám sát cần chú ý, giám sát các phương tiện chở khách từ các tỉnh về địa phương. Giao ngành y tế phải có hướng dẫn, quản lý giám sát triệt để các đối tượng trở về từ vùng dịch đang cách ly tại gia đình.
Về công tác cách ly, yêu cầu các huyện chủ động khởi động lại các khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn huyện. Yêu cầu CDC tỉnh đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc cho những người liên quan đến các điểm dịch theo thông báo của Bộ y tế. Tiếp tục rà soát phương án thu dung, vận chuyển, điều trị bệnh nhân, đặc biệt là bổ sung phương án cách ly bệnh viện, khu dân cư trong trường hợp có ca bệnh; yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm túc việc phân luồng khám điều trị
Về công tác tuyên truyền, yêu cầu các huyện tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về phòng chống dịch trong cộng đồng, trong đó có thể đưa thông tin về những người đang cách ly tại nhà để người dân tham gia giám sát.
Từ 1/8/2020 khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người nếu không cần thiết. Tiếp tục thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng. Về công tác tổ chức thi tốt nghiệp, giao Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, đặc biệt là xử lý hồ sơ văn bản trên môi trường điện tử như các chỉ đạo của tỉnh. Giao các ngành chức năng tham mưu thực hiện phương án thành lập các điểm chốt giám sát về giao thông.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ đạo cấp tỉnh họp 5 ngày/lần; Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh họp 2 ngày/lần để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh./.