Hệ thống cảng biển và một góc Khu Kinh tế Nghi Sơn đang phát triển năng động. Ảnh: Lê Đồng
Ngày 27-2-2023, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bản quy hoạch tổng thể, vừa khái quát, vừa cụ thể cả nghìn trang xác định rõ quan điểm, mục tiêu là phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn. Đã đến lúc, tất cả phải hành động. Từng ngành, đơn vị cấp tỉnh hay địa phương không còn coi việc quy hoạch và hiện thực hóa trên thực tiễn là công việc của cấp trên, là việc vĩ mô chỉ chờ chỉ đạo thực hiện, bởi nay nhiệm vụ cụ thể đã được gợi mở cho từng ngành, từng cấp, từng lãnh đạo các cơ quan.
Còn nhớ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh: Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng và là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa là vùng đất “phên dậu”, “vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế, là căn cứ của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ còn phân tích: Là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, thứ 3 về quy mô dân số, với nhiều tiềm năng và lợi thế, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái như trung du, miền núi, đồng bằng, miền biển; tài nguyên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông thuận tiện, đầy đủ các loại hình, thuận lợi kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, các tỉnh duyên hải miền Trung... Theo đó, Thanh Hóa hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao...
Những phân tích ngắn gọn nhưng có tầm bao quát của một lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã phần nào cho thấy, vị trí địa lý và tiềm năng lợi thế của Thanh Hóa là điểm đáng chú ý đặc biệt, là thế mạnh riêng cần được khơi dậy. Trong các cuộc gặp gỡ, giới thiệu tiềm năng với các tập đoàn, doanh nghiệp, các đoàn công tác trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư và hợp tác, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa những nhiệm kỳ gần đây đều nêu bật những lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư phát triển. Có vị trí địa lý đặc biệt nên Thanh Hóa được ví như “cửa ngõ”, là “bản lề” tiếp giáp để mở ra sự giao lưu phát triển kinh tế giữa khu vực miền Trung và vùng kinh tế phía Bắc. Đường bờ biển hình cánh cung dài tới 102km tương đối bằng phẳng, lại có 7 cửa lạch, khu vực bãi triều 8.000 ha mang theo tiềm năng phát triển kinh tế biển mà trọng điểm là du lịch ven biển và hình thành những vùng nuôi trồng thủy, hải sản rộng lớn. Cảng nước sâu Nghi Sơn đang lớn mạnh và ngày càng nhộn nhịp, đón các tàu hàng quốc tế lớn bậc nhất thế giới, phát huy được lợi thế trung chuyển hàng hóa, đầy đủ tiềm năng biến Thanh Hóa thành trung tâm logictics lớn của cả nước.
Điện năng và hệ thống giao thông - 2 lĩnh vực quan trọng hàng đầu cho phát triển, nhất là phát triển công nghiệp đã trở thành thế mạnh của Thanh Hóa. Với 11 dự án thủy điện đã đi vào vận hành, 2 dự án đã có chủ trương đầu tư cùng các nhà máy nhiệt điện ở Khu Kinh tế Nghi Sơn đã đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm năng lượng của cả nước. Tổng công suất các nhà máy điện đang hoạt động đến hiện tại đã đạt 2.925 MWh, tổng sản lượng điện theo thiết kế sẽ đạt 15,4 tỷ KWh điện/năm. Không nhiều địa phương trong cả nước có đầy đủ các loại hình giao thông như Thanh Hóa, với Cảng Hàng không Thọ Xuân kết nối các tỉnh phía Nam và trong tương lai là quốc tế, hệ thống đường sắt Bắc- Nam, các tuyến đường bộ huyết mạch của đất nước chạy qua, đường thủy quốc tế. Giao thông nội tỉnh phát triển, tính kết nối cao với các khu vực Tây Bắc, sang thượng Lào, tạo hình thành hành lang phát triển quốc tế...
Một góc TP Thanh Hóa hôm nay.
Tiềm năng và thế mạnh to lớn là vậy, thực tiễn đặt ra là phải phát huy để phát triển giàu mạnh. Những nhiệm vụ và đường hướng phát triển ấy đã được Nghị quyết 58-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” chỉ ra. Để có bản quy hoạch đồ sộ mang tính khoa học và tính định hướng này, phải mất cả quá trình nghiên cứu, soạn thảo, lấy ý kiến chuyên gia, tích lũy kinh nghiệm phát triển trên thực tiễn. Ông Lê Đình Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Thanh Hóa, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch - Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: “Từ nhiệm kỳ trước, tôi đã vận động người bạn là phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vào Thanh Hóa đồng hành với tỉnh, giúp Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa triển khai nhiệm vụ quy hoạch chung được tỉnh giao. Từ những hoạt động ban đầu, có sự góp công của nhiều lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học, các ngành liên quan đã từng bước tạo nền móng cho bản quy hoạch lịch sử sau này. Để rồi, tháng 7-2020, một hội thảo khoa học tầm quốc gia mang tên “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức có sự tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cả nước về kinh tế và nhiều lĩnh vực. Đây chính là hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn trong việc hoàn thiện Đề án Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, sau này là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa”.
Cũng theo kỹ sư đô thị Lê Đình Nam: Gần đây ở Việt Nam và lần đầu tiên ở Thanh Hóa mới có một loại quy hoạch gọi là “quy hoạch tỉnh”. Đây chính là quy hoạch tích hợp, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Bản quy hoạch tỉnh này cũng khơi dậy được vị trí thuận lợi, tiềm năng lợi thế khác biệt của Thanh Hóa. Đường hướng phát triển của “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Bởi lẽ, Nghị quyết 58 mới mang tính chất là đường lối, chủ trương. Trước đây, những tiềm năng thế mạnh được phân tích rời rạc ở những quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương trên diện nhỏ, thì nay đã được tích hợp thống nhất, dễ cho khai thác và phát huy.