Sáng 30/10, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2024; các nhiệm vụ trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Sáng 30/10, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2024; các nhiệm vụ trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Văn Thi, Mai Xuân Liêm, Đầu Thanh Tùng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh.
Thanh Hóa đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nhanh
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công 10 tháng năm 2024 được thực hiện trong điều kiện có những thuận lợi, đó là: Các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ năm 2023 sang, các dự án khởi công mới phần lớn đã phê duyệt dự án đầu tư; việc phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2024 được HĐND tỉnh, UBND tỉnh và HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sớm, từ cuối năm 2023. Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; 5 Tổ công tác cấp tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án...
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu khai mạc hội nghị.
Kết quả, đến hết ngày 28/10/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả tỉnh (bao gồm cả vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024) là 9.301,7 tỷ đồng, bằng 65,9% kế hoạch, cao hơn 10,8% so với cùng kỳ.
Trong đó vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 6.861,9 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 1.950,3 tỷ đồng; vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh là 481,9 tỷ đồng, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ (vốn dự bị động viên) là 7,542 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính kế hoạch năm 2024, tỷ lệ giải ngân của cả tỉnh bằng 67,9% kế hoạch, cao hơn 15,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước (52,29%).
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa đạt 70,57% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 64,59% kế hoạch do tỉnh giao, đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nhanh.
Nhiều chủ đầu tư, địa phương giải ngân cao hơn trung bình của cả tỉnh
Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, chủ đầu tư, toàn tỉnh có 22 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả tỉnh.
Trong đó có 8 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh gồm: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Trường THPT Chuyên Lam Sơn; Sở Công Thương; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa; Tỉnh đoàn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa.
12 UBND cấp huyện gồm: TP Thanh Hóa; TP Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn; các huyện: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Như Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành, Quảng Xương, Quan Hóa, Bá Thước và 2 đơn vị khác là Liên minh hợp tác xã và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.
Các điểm cầu dự hội nghị (ảnh chụp màn hình).
Cùng với đó, toàn tỉnh có 80 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch (chiếm 26,7% tổng số dự án), với số vốn là 788,934 tỷ đồng. Tiêu biểu như Dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Lèn, đoạn từ đền Cô Đôi, xã Châu Lộc đến cầu Đò Lèn, xã Đồng Lộc (Hậu Lộc); Dự án mở rộng tuyến đường C-C3, Khu du lịch Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn; Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa và bản đồ mực nước hạ du của các đập thủy điện trên địa bàn tỉnh...
Giám đốc Sở Xây dựng Phan Lê Quang phát biểu tại hội nghị.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Mặc dù đạt kết quả tích cực, song quá trình thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm vẫn rất chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh; tiến độ chuẩn bị hồ sơ của các dự án khởi công mới có thời gian thực hiện từ 2022-2025 chậm; công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa phát biểu tại hội nghị.
Đặc biệt, toàn tỉnh vẫn còn 31 chủ đầu tư, địa phương giải ngân thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả tỉnh, như: Ban quản lý dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa; Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; Sở Xây dựng; Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND cấp huyện có thị xã Nghi Sơn, các huyện: Nga Sơn, Đông Sơn, Nông Cống, Quan Sơn...
Đại diện lãnh đạo huyện thị xã Nghi Sơn phát biểu tại hội nghị (ảnh chụp màn hình).
Báo cáo cũng đã chỉ rõ và phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân khách quan là theo quy định của pháp luật, một dự án phải thực hiện 3 giai đoạn (chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc dự án) với rất nhiều thủ tục, quy trình, nên chỉ một bước, giai đoạn có vướng mắc, sẽ ảnh hưởng đến tổng thể tiến độ thực hiện của cả dự án.
Ngoài ra, một số dự án vừa phải tuân thủ các quy trình, thủ tục trong nước, vừa phải tuân thủ các quy định, yêu cầu của nhà tài trợ. Trong khi các quy định của Việt Nam và nhà tài trợ còn có sự khác biệt, do vậy việc hoàn thiện thủ tục đầu tư để đủ điều kiện phân bổ vốn hằng năm cho các dự án sử dụng vốn nước ngoài mất rất nhiều thời gian.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tạ Hồng Lựu phát biểu tại hội nghị.
Nguyên nhân chủ quan được xác định đó là công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của một số địa phương, chủ đầu tư có lúc, có việc còn chưa kịp thời, chưa quyết liệt; có chủ đầu tư còn chưa nắm rõ quy trình, thủ tục thực hiện các dự án; cùng mặt bằng pháp lý song có địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những địa phương chủ đầu tư giải ngân chậm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị.
Công tác thẩm định hồ sơ các dự án khởi công mới, bao gồm từ bước thẩm định dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công đến thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy còn kéo dài; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm của các nhà thầu trong việc tổ chức các biện pháp thi công, hoàn ứng vốn còn thấp. Một số nhà thầu chưa tập trung máy móc, nhân lực, thiết bị thi công theo hồ sơ trúng thầu nhưng chưa được chủ đầu tư tập trung xử lý; năng lực tài chính còn hạn chế, dẫn đến các dự án chậm tiến độ...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; giải trình nguyên nhân dẫn dến sự chậm trễ trong thực hiện giải ngân vốn. Đồng thời đề xuất, kiến nghị và làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến việc chuyển vốn, bổ sung vốn, bảng giá đất; thể hiện quyết tâm, cam kết hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm 2024.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Kết quả đạt được trong giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2024 của tỉnh là rất đáng phấn khởi với tỷ lệ giải ngân nằm trong tốp dẫn đầu các tỉnh, thành của cả nước. Đây là kết quả thể hiện sức mạnh tổng hợp, sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó là các “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng... được khắc phục kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn biểu dương các ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao để đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời phân tích, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên ngân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nhận diện rõ để sớm khắc phục.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động chiến dịch 60 ngày, đêm tăng tốc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Mục tiêu đến 31/12/2024, toàn tỉnh giải ngân 100% vốn đã được Chính phủ giao, bất luận khó khăn, thách thức. Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: “Chúng ta có đủ tự tin để hoàn thành mục tiêu này trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ đầu năm đến nay cũng như tinh thần, trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh quan điểm trong quá trình thực hiện là không chủ quan trước mọi tình huống, tranh thủ tối đa các điều kiện và nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành mục tiêu đề ra. Giải pháp ưu tiên để thực thi là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nhiệm vụ này phải được thực hiện một cách đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, cụ thể, nắm bắt từng dự án để chỉ đạo thực hiện. Các cấp, các ngành, các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị mình. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn giao Sở Xây dựng tham mưu báo cáo UBND tỉnh về chỉ đạo công tác thanh tra trên lĩnh vực xây dựng, trong đó tập trung vào các nội dung như chất lượng hồ sơ mời thầu; hoạt động tư vấn; chất lượng công trình. Đồng thời, thống nhất chủ trương điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao và yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.