100%

Lịch sử hình thành và phát triển của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 1266/TC-UBTH ngày 20/6/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Ủy ban kế hoạch tỉnh và Ban Kinh tế đối ngoại tỉnh.

 

1. Lịch sử hình thành

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 1266/TC-UBTH ngày 20/6/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Ủy ban kế hoạch tỉnh và Ban Kinh tế đối ngoại tỉnh.

Ngược trở lại lịch sử, ngay từ những ngày đầu thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết nhằm nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ những đề án về chính sách, chương trình, kế hoạch kinh tế hoặc những vấn đề quan trọng khác. Ngày 08/10/1955, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia, sau này là Ủy ban kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng với đó là Ủy ban kế hoạch tỉnh Thanh Hóa (nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư) được thành lập.

Tại buổi lễ Ngành kế hoạch và đầu tư đón nhận Huân chương Sao Vàng được tổ chức tại Hội trường Ba Đình ngày 4/11/2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã khẳng định lấy ngày 31/12/1945 là ngày truyền thống của Ngành kế hoạch và đầu tư.

Quá trình xây dựng và trưởng thành của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa gắn liền với sự phát triển của Ngành kế hoạch và đầu tư cả nước và sự phát triển toàn diện của tỉnh Thanh Hóa. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước trong những năm qua.

2. Các giai đoạn phát triển

Trải qua các thời kỳ phát triển của đất nước, tập thể cán bộ, công chức Ngành kế hoạch và đầu tư tỉnh Thanh Hóa luôn kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, từng bước vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cũng như cả nước nói chung. Chặng đường phát triển của Ngành kế hoạch và đầu tư tỉnh Thanh Hóa được chia thành 3 giai đoạn như sau:

2.1. Giai đoạn bước đầu khôi phục kinh tế và đấu tranh thống nhất đất nước (1955 - 1975)

Thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1955 - 1960): tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác lập và triển khai thực hiện kế hoạch, nhưng các kế hoạch của tỉnh đề ra trong giai đoạn này đã thu được kết quả tương đối khả quan; bước đầu đã khôi phục lại và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, đặc biệt là khôi phục lại các tuyến giao thông huyết mạch, các công trình thủy lợi trọng yếu trong tỉnh, phục hồi lại hệ thống trường học, bệnh viện...

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965): trong giai đoạn này, Ủy ban kế hoạch tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 1961 - 1965. Mặc dù cuối năm 1964, Mỹ đánh phá ác liệt Miền Bắc, trong đó có Thanh Hóa, nhưng những thành tựu của kế hoạch 5 năm giai đoạn này là hết sức to lớn; nhiều công trình trọng yếu như: Cầu Hàm Rồng, thủy điện Bàn Thạch, nhiệt điện Hàm Rồng, hệ thống đê sông Chu, sông Mã, các cơ sở chế biến nông sản,... đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu cho chủ nghĩa xã hội trên quê hương Thanh Hóa.

Thời kỳ cả nước có chiến tranh (1966 - 1975): kế hoạch trong giai đoạn này được xây dựng theo hướng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc, Thanh Hóa là trọng điểm tập trung đánh phá của giặc Mỹ, hòng ngăn chặn các tuyến đường cung cấp cho chiến trường miền Nam. Kế hoạch được xây dựng đảm bảo khả năng vừa sản xuất vừa chiến đấu, huy động mỗi năm hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, với quyết tâm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; Thanh Hóa đã phát huy tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng kẻ thù xâm lược, góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ này, phong trào hợp tác hóa phát triển mạnh mẽ, cán bộ quản lý kinh tế, quản lý kế hoạch còn rất thiếu nên trường “Nghiệp vụ Kế hoạch ” đã ra đời; trường có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kế hoạch cho cán bộ trong tỉnh. Năm 1970, trường sáp nhập với trường Tài chính và Thống kê thành trường Trung học Kinh tế - Tài chính; năm 1973, trường Trung học Kinh tế - Tài chính tách thành 3 trường: Trung học Tài chính, Kinh tế kế hoạch và Nghiệp vụ thống kê (Năm 1993, trường Kinh tế kế hoạch sáp nhập với trường Thống kê thành trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật; năm 1997, trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật sáp nhập và nâng lên thành Đại học Hồng Đức).

2.2. Giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-1985)

Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980): nhiệm vụ trọng tâm của ngành kế hoạch và đầu tư tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn này là khôi phục lại nền kinh tế sau chiến tranh, tập trung phát triển nông nghiệp và công nghiệp, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực và thực phẩm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngành hàng xuất khẩu, nhanh chóng xây dựng tỉnh Thanh Hóa thành tỉnh công - nông nghiệp. Kết quả thực hiện kế hoạch trong giai đoạn này đã góp phần khắc phục một bước hậu quả chiến tranh, khôi phục lại các cơ sở sản xuất bị tàn phá, tạo nên sự chuyển biến ban đầu về mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985): Ủy ban kế hoạch tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định phương hướng phát triển đúng đắn đó là: “Từ lương thực, xuất khẩu và sản xuất hàng hóa đa dạng mà đi lên”. Vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong thời kỳ kế hoạch 5 năm này là xác định rõ khả năng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây, con, mùa vụ, từng bước đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác. Nhờ đó, từ một nền sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp, bước đầu đã hình thành nền nông nghiệp hàng hóa; từ chỗ thiếu lương thực triền miên, Thanh hóa đã vươn lên tự cân đối được lương thực (năm 1985 đã đạt 80 vạn tấn). Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu vốn cho đầu tư phát triển, Ủy ban kế hoạch tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu thực hiện các giải pháp huy động hàng vạn lao động, hàng triệu ngày công để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi quan trọng như: đê sông Hoàng, sông Lý, quốc lộ 47,…

2.3. Giai đoạn đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (1986 đến nay)

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới, trên cơ sở đó công tác kế hoạch của tỉnh từng bước đổi mới, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kế hoạch định hướng, coi trọng việc xây dựng các quy hoạch, chiến lược và kế hoạch dài hạn. Đổi mới từ nhận thức, đến đổi mới cách làm, công tác kế hoạch của tỉnh đã từng bước đổi mới, chuyển sang kế hoạch định hướng, coi trọng việc xây dựng các quy hoạch, chiến lược và kế hoạch dài hạn.

Năm 1986, Ngành kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Tổng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất thời kỳ 1986 - 2000 và đến năm 1995, đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996 - 2010; phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng một số chương trình, dự án trọng tâm trình Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương như: 4 khu công nghiệp trọng điểm (Lễ Môn, Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng), các chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, chương trình phát triển giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc,… Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn này đã đạt được những thành tựu đáng kể: GDP năm 2000 gấp 1,93 lần năm 1990; GDP bình quân đầu người đạt 286,4 USD; tổng sản lượng lương thực đạt 1,3 triệu tấn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Bước vào những năm đầu thế kỷ 21, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, thích ứng kịp thời với tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước. Sở đã chủ trì xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn và hàng năm; tham mưu đề xuất nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; các nội dung tham mưu, đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp quan trọng vào công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn này là khá toàn diện và có nhiều điểm đột phá; giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 11,4%, đến năm 2015, quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 8 cả nước và lớn nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, các chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước; thu hút đầu tư tăng cao so với các giai đoạn trước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng. Các hoạt động văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiệntỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,57%/năm, đạt mục tiêu đề ra; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Với những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai, hạng ba và năm 2010 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất; Cờ thi đua của Chính phủ các năm 2011, 2015; Cờ thi đua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa và nhiều Bằng khen của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, các phòng chuyên môn và các cá nhân. Đảng bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa liên tục được công nhận “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”; các đoàn thể nhiều năm duy trì danh hiệu “Đoàn thể vững mạnh toàn diện”./.

1998 người đang online
°