Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; các đồng chí Phạm Minh Chính - Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội; Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Tô Huy Rứa - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phạm Quang Nghị - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các ban, bộ, ngành Trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Ủy ban của Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn; lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Ninh Bình, Hà Tĩnh.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.
Nhân dịp này đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội gửi lẵng hoa chúc mừng.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm.
Trong diễn văn khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nêu bật ý nghĩa 990 năm Thanh Hóa. Đồng chí khẳng định: Từ lâu, câu hỏi về thời gian ra đời tên gọi Thanh Hóa của vùng đất này đã trở thành sự trăn trở khôn nguôi của nhân dân và nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh. Với tình cảm và trách nhiệm lớn lao, nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm giải đáp những mong đợi và tình cảm thiêng liêng đó. Bằng những cứ liệu lịch sử khách quan, khoa học đã được kiểm chứng, vào thời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu này đã chính thức được mang tên Thanh Hóa - Cái tên gần gũi, thân thương, nhưng cũng hết sức quật cường, trung dũng, đã gắn liền và khắc sâu vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Sự kiện này không chỉ nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng, mà còn là dịp để mỗi người dân ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong lịch sử hào hùng của dân tộc, để vững tin và quyết tâm chung sức, chung lòng xây dựng Thanh Hóa nhanh chóng trở thành một “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.
Các chương trình văn nghệ đặc sắc chào mừng Lễ kỷ niệm.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Càng đi sâu khám phá vùng đất, con người xứ Thanh, chúng ta càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, sức sống diệu kỳ của nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống lịch sử vẫn đang bền bỉ chảy mãi không ngừng. Đó là một Thanh Hóa quật cường trong lịch sử chống ngoại xâm với hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh hiên ngang cưỡi voi xung trận, với hào khí vang dội của nghĩa quân Lam Sơn, với những Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh, Hàm Rồng - Sông Mã. Một Thanh Hóa duyên dáng, đằm thắm mà khoẻ khoắn, căng tràn sức sống với những bài thơ, điệu hò, câu hát dân ca. Một Thanh Hoá tự tin, năng động, hoà nhịp cùng sự đổi mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá với những nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch đang từng ngày “thay da đổi thịt”
Trường đoạn “Kỳ tích Hàm Rồng” thuộc chương II “Truyền thống anh hùng” với bài hát
“Chào sông Mã anh hùng” do NSƯT Trọng Tấn thể hiện trong buổi Lễ kỷ niệm.
Để Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển và tăng cường thu hút đầu tư; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động trong ngành kinh tế số. Tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, các Khu công nghiệp, các khu du lịch, phát triển kinh tế. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, làm tốt công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội…
Tiết mục văn nghệ tái hiện cảnh nhân dân Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam
tập kết ra Bắc đầy xúc động tại buổi Lễ kỷ niệm.
“Tôi tin tưởng rằng, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương xứ Thanh 990 năm nói riêng sẽ là nguồn sức mạnh và động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa chung tay, đoàn kết, góp sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 18; xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, và sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tiết mục văn nghệ “Thanh Hóa hội nhập và phát triển” khắc họa lên
bức tranh của Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới với “khát vọng thịnh vượng”.
Tại lễ kỷ niệm, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của hơn 500 người là nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp của các đơn vị: Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam; Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa; Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh; Trường Đại học VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa.
Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” của Tác giả kịch bản – Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, với tổng thời lượng 90 phút được chia làm 3 chương: Địa linh nhân kiệt; Truyền thống Anh hùng; Hội nhập phát triển, với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch thông qua lời dẫn, lời bình và các thủ thuật đạo diễn. Qua đó, làm nổi bật vùng đất và con người xứ Thanh trải dài từ thời Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh - Nguyễn cho tới thời đại ngày nay. Đồng thời, tái hiện quá trình hình thành, phát triển cùng những đóng góp to lớn của vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Khép lại chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa rực rỡ,
lung linh sắc màu chào mừng đại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.
Khép lại chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa rực rỡ, lung linh sắc màu chào mừng đại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.