Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài 2): Xây dựng 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tế

Đăng ngày 27 - 03 - 2023
100%

Với mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, giàu đẹp, văn minh, Thanh Hóa đã chủ trương xây dựng 4 trung tâm kinh tế động lực và 6 hành lang kinh tế để tạo thế, lực mới. Đây cũng là cơ sở để quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) được xác định nằm trên hành lang kinh tế ven biển. Ảnh: P.V

Để thực hiện khát vọng thịnh vượng, tỉnh Thanh Hóa đã nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển xứng tầm, định hướng hình thành 4 vùng kinh tế động lực để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh. Theo đó, vùng kinh tế động lực phía Nam là thị xã Nghi Sơn - Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) được định hướng đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh và khu vực, đến năm 2030 trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị ven biển trọng điểm của cả nước. Vùng kinh tế động lực phía Bắc là khu vực thị xã Bỉm Sơn - huyện Thạch Thành, trong đó Bỉm Sơn là hạt nhân trong phát triển trục Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành và các huyện phía Tây của tỉnh. Bên cạnh đó, Bỉm Sơn có đủ điều kiện để phát triển du lịch tâm linh và nhiều loại hình du lịch mới mẻ, như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá..., góp phần đa dạng hóa ngành “công nghiệp không khói”. Vùng kinh tế động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn được xác định trên cơ sở nền tảng phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, trong đó TP Sầm Sơn phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại II, tạo nền tảng vững chắc đến năm 2030 thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện.

Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đều xác định, TP Thanh Hóa cùng với TP Sầm Sơn là trung tâm kinh tế động lực, hướng đến phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ cao, du lịch biển, du lịch văn hóa, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Thực hiện những định hướng quy hoạch đã được manh nha từ trước, đến nay, Sầm Sơn đã thể hiện tính đầu tàu trong phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, ngày càng hấp dẫn với du khách trong, ngoài nước. Năm 2022, ngành “công nghiệp không khói” thành phố biển này đón hơn 7 triệu lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 và được biết đến là khu du lịch biển hàng đầu trong cả nước. Vùng kinh tế động lực phía Tây thuộc khu vực Lam Sơn - Sao Vàng được định hướng thành khu công nghiệp (KCN) đa ngành, công nghệ cao, gắn với chuỗi phát triển đô thị và xa lộ nông nghiệp công nghệ cao của cả nước dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có mức thu ngân sách Nhà nước đạt cao nhất từ trước tới nay với hơn 51.000 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh cả thu nội địa và hoạt động xuất nhập khẩu tại trung tâm kinh tế động lực Nghi Sơn đóng góp 25.232 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Đến nay, KKTNS đã thu hút gần 300 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 149.530 tỷ đồng và 24 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 12,814 tỷ USD. Nghi Sơn hiện nay đã chính thức trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, tạo niềm tin, sức lan tỏa mạnh mẽ về thu hút đầu tư trên khu kinh tế trọng điểm này. Với sức “hút” sẵn có, Thanh Hóa đã chủ động triển khai nhiều giải pháp xúc tiến nhằm đưa Nghi Sơn tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cùng với sự hiện hữu của 4 trung tâm kinh tế động lực, các quy hoạch và định hướng của tỉnh đều xác định xây dựng 6 hành lang kinh tế nhằm tạo sự phát triển toàn diện các vùng miền. Theo đó, hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Đông Bắc; hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế cũng dần hình thành theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX. Với chiều dài 96 km, hành lang kinh tế ven biển được xác định từ huyện Nga Sơn đến thị xã Nghi Sơn làm nhiệm vụ kết nối các tỉnh phía Bắc và tỉnh Nghệ An với Thanh Hóa, thông qua tuyến đường bộ ven biển và Quốc lộ 10. Thông qua quy hoạch và định hướng phát triển, các địa phương nằm trong hành lang kinh tế ven biển đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, với trọng tâm là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải và nghề cá; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch ven biển đã được chấp thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận nghiên cứu lập quy hoạch, từng bước hình thành các khu đô thị du lịch ven biển.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài 2): Xây dựng 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tếSản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Thọ Xuân). Ảnh: P.V

Được xác định là cửa ngõ của hành lang kinh tế ven biển, huyện Nga Sơn hội tụ nhiều yếu tố để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững. Đồng chí Lê Ngọc Hợp, Bí thư Huyện ủy huyện Nga Sơn, khẳng định: "Là một trong những địa phương được nhắc đến trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, huyện Nga Sơn nằm trong hành lang kinh tế ven biển với nhiều kỳ vọng để phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch. Đây chính là cơ hội vàng để huyện tập trung huy động nguồn lực, đầu tư, nâng cấp, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đẩy mạnh thu hút đầu tư hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, bền vững; ưu tiên phát triển các loại hình kinh tế thân thiện với môi trường và phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm”. Hiện nay, huyện Nga Sơn đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2040, định hướng đến năm 2070 làm cơ sở để phát triển đô thị, dịch vụ công nghiệp tập trung, dịch vụ du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát triển nông nghiệp chất lượng cao và các ngành nghề kinh tế biển, phát triển làng nghề truyền thống. Tháng 12-2021, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa đã được khởi công, với tổng mức đầu tư hơn 2.242 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Nga Sơn nói riêng với các tỉnh, thành phố lân cận, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực, hệ thống đường giao thông quốc gia.

Đáng chú ý, trong các quy hoạch lần này, xuất hiện “hành lang kinh tế quốc tế” kết nối hệ thống cảng biển Nghi Sơn - Cảng Hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước bạn Lào. Đây là định hướng giao thương, phát triển nhiều lĩnh vực có tính chất liên vùng, liên quốc gia theo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện tỉnh Thanh Hóa đã từng bước triển khai thực hiện chương trình hành động Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, các địa phương chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế trên cơ sở phù hợp với các nghị quyết đã ban hành. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung, giải pháp đầu tư liên quan đến phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tế. Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương cộng hưởng với sức mạnh nội lực của tỉnh, kỳ vọng sẽ mở ra những đột phá mới, tạo bước phát triển mới. Đây cũng là giải pháp tăng tính tương tác, kết nối, thúc đẩy Thanh Hóa phát triển, sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh hợp thành tứ giác phát triển ở phía Bắc Tổ quốc.

<

Tin mới nhất

Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng tại Hội nghị công bố Quy hoạch...(03/04/2023 2:41 SA)

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa tỉnh thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.(02/04/2023 2:36 SA)

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài cuối): Trung tâm...(28/03/2023 11:39 SA)

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài 4): Trung tâm...(27/03/2023 11:35 SA)

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài 3): Đưa công...(27/03/2023 11:32 SA)

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài 2): Xây dựng 4...(27/03/2023 11:28 SA)

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa - kim chỉ nam cho phát triển toàn diện và bền vững (Bài 1): Phát huy vị...(24/03/2023 12:11 CH)

Hệ thống bản đồ Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045(03/03/2023 8:44 SA)

1227 người đang online
°