Ngày 28/12/2024, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Hội nghị vinh dự có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tha dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành kế hoạch và đầu tư. Ảnh: MPI |
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để đánh giá các kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, giải pháp của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Lao Động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Ngân hàng Nhà nước; Bộ Quốc phòng;… Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các Cục/Vụ làm công tác Kế hoạch - Đầu tư của 13 bộ, cơ quan ngang bộ; các đồng chí Thường trực Tổ Chuyên gia tư vấn của Bộ trưởng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT, Cục trưởng Cục Thống kê của một số địa phương; Lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại điểm cầu các địa phương, có sự tham dự của hơn một nghìn đại biểu là các đồng chí Lãnh đạo UBND; Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Chánh Văn phòng UBND; tập thể lãnh đạo Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT, Cục Thống kê và Trung tâm Xúc tiến đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo báo cáo tại Hội nghị, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước; không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc lớn, quan trọng có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước.
Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển KTXH, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện 61 đề án trên tổng số 345 đề án giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ - là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm gần 18%). Đến nay, Bộ đã cơ bản hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác.
Trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 02 Luật, 05 Nghị quyết của Quốc hội, 09 Nghị định của Chính phủ (và 08 Nghị định đã trình Chính phủ), 14 Thông tư, 08 Nghị quyết của Chính phủ, 06 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 07 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 19/9/2024, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, 06 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban Chỉ đạo khác; làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 04 quy hoạch tỉnh, 02 Chương trình mục tiêu quốc gia, 03 dự án quan trọng quốc gia, 39 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 14.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ tối đa thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển KTXH. Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu.
Đồng thời, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...); phát huy vai trò tích cực trong công tác truyền thông, giải trình về định hướng điều hành chính sách và kết quả KTXH, qua đó góp phần đáng kể tạo đồng thuận xã hội, ổn định tâm lý thị trường; kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tận dụng tối đa thời cơ để phục hồi và phát triển./.