Thanh Hóa phát huy truyền thống cách mạng quyết tâm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc

Đăng ngày 29 - 07 - 2024
100%

(Baothanhhoa.vn) - Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập ngày 29/7/1930, là một trong những Đảng bộ được thành lập sớm nhất trong cả nước. 94 năm qua, bằng trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong 15 năm (1930-1945), các đồng chí cách mạng tiền bối của Đảng bộ tỉnh đã luôn sắt son đi theo ngọn cờ của Đảng, vượt qua khó khăn, gian khổ, sự truy lùng của kẻ thù để kịp thời lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, tập dượt cho quần chúng đấu tranh qua các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945. Quá trình chuẩn bị cùng với việc nắm bắt thời cơ cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã chủ động, sáng tạo, nhạy bén và quyết đoán đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các phủ, huyện, tổng và xã, quần chúng nhân dân, tự vệ vũ trang ở khắp nơi trong tỉnh nhất tề vùng lên, giành chính quyền về tay Nhân dân. Từ 18/8 đến 23/8/1945, chính quyền cách mạng ở hầu khắp các phủ, huyện trong tỉnh đã ra mắt nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng nhân dân và bước vào xây dựng chế độ mới. Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa và cả nước đã thành công, một thời kỳ mới đã mở ra, Nhân dân Thanh Hóa cùng cả nước bước vào lịch sử hiện đại.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thanh Hóa, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao khối đoàn kết, thực hiện cao nhất nhiệm vụ xây dựng hậu phương, vừa phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, bảo vệ hậu phương lớn Thanh Hóa góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tổng kết 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ hậu phương kháng chiến. Cùng với cung cấp hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho các chiến trường, Thanh Hóa đã huy động hơn 1 triệu dân công, đóng góp 20 triệu ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đắp đường, làm cầu phục vụ các chiến trường Bắc Việt, Bắc Lào. Bổ sung cho bộ đội chủ lực 2 tiểu đoàn, 34 đại đội, 6 trung đội và 500 chiến sỹ du kích. Huy động gần 57 ngàn thanh niên tham gia bộ đội, 15 ngàn thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường lập công xuất sắc. Trong đó 5 người con ưu tú quê hương Thanh Hóa được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”, hàng trăm người con ưu tú được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và cấp khu. Với những đóng góp to lớn ấy, trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa (ngày 13/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “... Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân, chiến đấu mưu trí dũng cảm, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ hậu phương Thanh Hóa, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ với chiến công bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ và tay sai; chi viện sức người sức của cho tiền tuyến và nước bạn Lào, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong đó, hàng vạn người đã anh dũng hy sinh ở khắp các chiến trường. Tại hậu phương, với tinh thần vừa tích cực sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, quân và dân Thanh Hóa đã lập nên những chiến công oanh liệt làm nức lòng bè bạn trong nước và quốc tế. Trong cuộc đọ sức ấy, nhiều địa danh, như: Hàm Rồng, Đò Lèn, Phú Lệ, Đảo Mê, phà Ghép; những đơn vị, như: Trung đội lão dân quân Hoằng Trường, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc... và còn rất nhiều tên người, tên đất đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, cách mạng, đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Sau khi đất nước thống nhất (30/4/1975), Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, đẩy lùi sự bao vây cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch, chi viện cho các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; lao động sáng tạo xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất, đời sống, đặt nền tảng cho sự phát triển của tỉnh nhà. Những công trình thủy lợi, như: sông Hoàng, sông Lý, hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ; các nhà máy: Xi măng Bỉm Sơn, Đường Lam Sơn, Cơ khí Thanh Hóa, Cơ khí Sông Chu... được đầu tư xây dựng bằng sức lao động và sự đóng góp của Nhân dân trong tỉnh. Nhiều phong trào thi đua, như: Thủy lợi hóa, khai hoang, phục hóa, trồng cây lương thực, hoa màu,... diễn ra sôi nổi, góp phần tạo nên diện mạo mới trên quê hương Thanh Hóa, tạo ra những tiền đề để cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới.

38 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2024) do Trung ương Đảng khởi xướng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH quê hương và đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Nghi Sơn được thành lập và phát triển, một số ngành công nghiệp then chốt của tỉnh, như: sản xuất vật liệu, nhiệt điện, lọc hóa dầu,... được hình thành và ngày càng phát triển. Các ngành dịch vụ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án lớn, các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện... có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai thực hiện; trong đó, lớn nhất là Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đã đi vào vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các hoạt động văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng cao.

Để tiếp tục củng cố niềm tin và hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.

Đặc biệt, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 3/2/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 13/11/2021 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; ngày 27/2/2023, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định 153/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045... đã tạo thêm thời cơ, vận hội mới để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, thịnh vượng, tiếp tục xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã khơi dậy, phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào quê hương, ý chí tự lực, tự cường, đưa Thanh Hóa bứt phá trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 10,3%/năm; giai đoạn 2021-2023 đạt 9,69%. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán; tốc độ tăng thu giai đoạn 2021-2023 đạt 11,3%; trong đó năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51 nghìn tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối thuận lợi với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; hạ tầng dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đô thị phát triển nhanh theo hướng hiện đại, tạo ra diện mạo mới cho phát triển của tỉnh. Văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được nâng lên...

94 năm theo con đường cách mạng của Đảng, của Bác Hồ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trải qua 5 chặng đường với 19 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã và đang có đầy đủ thế và lực, diện mạo và sức mạnh nội lực để phát triển vững chắc kinh tế - xã hội. Tự hào về Đảng quang vinh, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tin tưởng rằng mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ phát huy truyền thống cách mạng để sớm đưa Thanh Hóa thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

<

Tin mới nhất

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh(14/11/2024 11:04 SA)

Tiếp tục tạo dựng những nền tảng mới cho sự phát triển đột phá của đất nước trong những năm tiếp...(21/10/2024 10:14 SA)

Lan tỏa Chương trình chung tay cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên nền tảng VNeID(08/10/2024 7:49 SA)

Những sự kiện nổi bật trong tuần(16/09/2024 10:20 SA)

Hội nghị Tiểu ban Nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030(09/09/2024 10:30 CH)

Thủ tướng chỉ đạo triển khai 3 luật về đất đai, nhà ở, bất động sản, tạo động lực mới cho phát...(14/08/2024 11:01 SA)

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa(09/08/2024 4:28 CH)

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024(06/08/2024 5:34 CH)

2315 người đang online
°